Sáng ngày 14/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023 đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng Lãnh đạo các Bộ, Văn phòng Chính phủ và Thành phố Hà Nội và gần 1000 khách mời là các nhà khoa học, các doanh nghiệp xây dựng - kỹ thuật hàng đầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với những tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân ở rất nhiều nơi trên toàn cầu. Cùng với đó, yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển cũng đặt ra bài toán tối ưu hóa trong sử dụng các nguồn tài nguyên và không gian phát triển đối với mỗi quốc gia.
Khoa học địa kỹ thuật một lĩnh vực nghiên cứu của khoa học trái đất và khoa học công trình bao gồm các khoa học cụ thể như: Cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng, công trình ngầm và không gian ngầm là chìa khóa để chúng ta giải quyết các thách thức đó.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Hội nghị sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam, đó là phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.
Các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới tham gia hội nghị cùng với các nhà khoa học trong nước cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, hợp tác để có phòng thí nghiệm chung về địa kỹ thuật. Ông cũng mong các doanh nghiệp kết nối đầu tư đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phòng, chống thiên tai… căn cứ vào cơ sở khoa học, năng lực doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, TS. Phùng Đức Long (Chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam) cũng bày tỏ: "Cơ sở hạ tầng là xương sống của tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Hơn bao giờ hết, các dự án cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh quan tâm nhằm giảm bớt ảnh hưởng của nước biển dâng, chống xói mòn bờ biển, bờ sông, bảo vệ khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các nội dung chuyên sâu: Móng sâu; thi công hầm và công trình ngầm; cải tạo nền đất yếu, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng tái tạo - năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển…
Trong khuôn khổ hội nghị, 55 gian hàng của các tổ chức khoa học, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm.
Minh Anh