Nhân dịp đầu năm mới, Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về quá trình tự thay đổi mình để tồn tại và phát triển của ngành đường sắt.
- ĐS&PL: Thưa ông, bước ra từ những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành đường sắt đã có sự trở lại và phục hồi như thế nào?
- Ông Trần Anh Tuấn: Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến cả nền kinh tế, nhất là ngành giao thông vận tải với các biện pháp giãn cách, hạn chế di chuyển, vận chuyển hành khách của ngành đường sắt đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây là giai đoạn khó khăn nhất ngành phải trải qua kể từ khi ra đời đến nay, có thời điểm, chúng tôi phải dừng khai thác toàn bộ tàu khách.
Tuy nhiên, ngay khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành đường sắt đã khẩn trương bắt nhịp với quá trình phục hồi đã thu được những kết quả rất tích cực.
Về cơ cấu tổ chức, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025. Nếu được thông qua, đề án sẽ giúp Tổng Công ty sớm thoát lỗ và điều chỉnh một số bất cập về mô hình tổ chức.
- ĐS&PL: Theo ông, điều gì đã tạo nên những khởi sắc tích cực của ngành đường sắt trong năm qua?
- Ông Trần Anh Tuấn: Trước hết, tình hình kinh doanh của ngành đường sắt trong năm qua có sự khởi sắc là do ngành đường sắt đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, điều quan trọng chính là việc chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt cũng ngày càng được cải thiện. Trong khi chờ đợi dự án được triển khai với những bước đột phá lớn, để cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, ngành đường sắt xác định việc nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách chính là yêu cầu cấp bách, mục tiêu xuyên suốt và là nhiệm vụ sống còn.
Vì vậy, trong những năm qua, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách; đồng thời đa dạng các dịch vụ cung cấp đến hành khách.
- ĐS&PL: Thưa ông, một trong những hướng đi đầy tiềm năng đang được ngành đường sắt khai phá và bước đầu mang lại những hiệu quả đáng kể nhất chính là du lịch. Để thực sự biến du lịch trở thành “nguồn sống”, động lực phát triển của ngành đường sắt trong giai đoạn mới, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có quan điểm và cách làm như thế nào?
- Ông Trần Anh Tuấn: Như bạn đã biết, năm 2023, Đường sắt Việt Nam đã được giới thiệu trong cuốn “Amazing Train Journeys” của Lonely Planet- là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới.
Trong đó tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Đây không chỉ là vinh dự của ngành đường sắt mà còn là niềm tự hào của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Hiện Tổng Công ty đang tích cực phối hợp với các đơn vị du lịch để cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này.
Trên thực tế, tiềm năng làm du lịch của ngành đường sắt có nhiều hơn thế, thậm chí tiềm năng đó là riêng biệt và độc đáo. Với lịch sử 142 năm hình thành và phát triển, ngành đường sắt Việt Nam tự hào đang được giao quản lý rất nhiều “viên kim cương” là những di sản đặc biệt có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc và khoa học của đất nước.
Thực tế, trong những năm qua, ngành đường sắt đã bắt đầu có những chuyển biến về tư duy và hành động. Thay vì chỉ đơn thuần đóng vai trò là một đơn vị vận chuyển khách du lịch với tư duy vận tải thông thường, chúng tôi đang mong muốn xây dựng cho mình một chiến lược để tham gia sâu hơn vào lĩnh vực du lịch với tư duy của người làm du lịch, tư duy của người làm dịch vụ.
Những thành công của tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với trào lưu “Food tour Hải Phòng”, mô hình cà phê Hoả xa hay gần đây nhất là sự thành công ngoài mong đợi của Lễ hội thiết kế, sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Hành trình di sản cho thấy rõ ràng sự chuyển biến về tư duy và hành động trong kinh doanh đang đem lại những kết quả ban đầu rất tích cực.
Phương châm của chúng tôi là “Biến những điểm yếu thành thế mạnh” trong phát triển du lịch. Ví dụ, đường sắt có điểm yếu là thời gian và tốc độ chạy tàu chậm; vì vậy, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn tàu du lịch chạy Bắc – Nam thời gian có thể kéo dài 7 ngày và dừng, đỗ tại các điểm du lịch theo nhu cầu của hành khách; nâng cấp chất lượng và cung cấp nhiều dịch vụ mới để hành khách lựa chọn như: đám cưới, tân hôn trên tàu…
- ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.
Mạnh Quốc