Theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2023 của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 của công ty giảm 13% so với năm 2022, về còn 27.137 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm đem về nguồn thu lớn nhất, đạt 15.533,9 tỷ đồng, bảo hiểm hỗn hợp đem về 9.026,7 tỷ đồng, sản phẩm bổ trợ đem về 2.271 tỷ đồng, bảo hiểm sức khoẻ đem về 686 tỷ đồng,…
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh của Prudential Việt Nam trong năm 2023 là 25.310,2 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2022. Trong đó, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng 31%, đạt hơn 23.200 tỷ đồng, bao gồm chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 13.173 tỷ đồng, thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm hơn 467 tỷ đồng, tăng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc hơn 10.495 tỷ đồng; Chi phí hoa hồng và các phí khác giảm 23,4%, về còn 2.110 tỷ đồng.
Doanh thu phí giảm, trong khi chi phí tăng cao đã khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential ‘lao dốc’ gần 90%, về còn 1.284 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu từ hoạt động tài chính của Prudential Việt Nam tăng hơn 2 lần lên 10.643 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập lãi từ trái phiếu tăng 6,2% (đạt 4.925 tỷ đồng), lãi tiền gửi ngân hàng tăng 28,7% (đạt 3.111 tỷ đồng), cổ tức tăng gấp hơn 2 lần (đạt 420,3 tỷ đồng). Ngoài ra, Prudential còn ghi nhận khoản lãi chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị hơn 2.301,6 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 ghi nhận lỗ 2.927,3 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng của Prudential giảm 26% xuống còn 4.827 tỷ đồng do công ty giảm thưởng, hỗ trợ và quyền lợi khác cho đại ý bảo hiểm, từ 5.220 tỷ đồng (năm 2022) còn 3.493 tỷ đồng (năm 2023). Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 2.688,7 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí và thuế, Prudential Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4% so với mức 3.637 tỷ đồng của năm 2022.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng giá trị tài sản của Prudential đạt 176.673 tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Prudential có hơn 4.665 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (bao gồm 1.300 tỷ là số dư tài khoản tiền nhận vốn góp từ chủ sở hữu đang phong toả tại ngân hàng để chờ phê duyệt từ Bộ Tài chính nhằm ghi nhận tăng vốn); hơn 1.441 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (dưới 3 tháng) tại ngân hàng.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Prudential đang “rót” 33.536,4 tỷ đồng vào các khoản đầu tư ngắn hạn và 117.501,5 tỷ đồng cho đầu tư tài chính dài hạn, tăng lần lượt 4,8% và 7,9% so với đầu năm.
Ở danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, thông qua các quỹ liên kết đơn vị, Prudential đang nắm khoảng gần 468 triệu cổ phiếu chứng khoán niêm yết và chứng khoán đã đăng ký giao dịch UpCOM trị giá gần 14.917 tỷ đồng. Công ty cũng đang gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 1 năm hơn 12.035 tỷ đồng thông qua các quỹ liên kết đơn vị…
Ở danh mục đầu tư dài hạn, Prudential rót tiền chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ (65.212,5 tỷ đồng), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (hơn 6.013 tỷ đồng) và tiền gửi ngân hàng dài hạn (hơn 28.275 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cũng đang nắm hơn 17.085 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, 888 tỷ đồng trái phiếu đô thị.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty tại thời điểm kết thúc năm 2023 là 154.336,9 tỷ đồng, tăng hơn 11.808 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng 8,3%. Cơ cấu nợ của Prudential Việt Nam chủ yếu nằm ở nợ dài hạn với 141.244 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ với 141.218,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Prudential Việt Nam đạt gần 22.336 tỷ đồng, trong đó bao gồm 15.298,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.