Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, MCK: OIL, sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần vẫn giữ nguyên ở mức 42.862 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Lợi nhuận gộp vẫn ở mức 2.062 tỷ đồng.
Biến động mạnh nhất đến từ phần lãi liên doanh liên kết khi điều chỉnh tăng gấp đôi báo cáo tự lập lên 4,2 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận khác cũng tăng 8,5% lên gần 88 tỷ đồng so báo cáo tự lập.
Sau khi trừ đi chi phí, PVOil điều chỉnh lợi nhuận sau thuế bán niên giảm 25,7 tỷ đồng so báo cáo tự lập, về còn 429,3 tỷ đồng (tương ứng giảm 47% so cùng kỳ).
Giải trình về chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét, PVOil cho biết do tạm tính lại thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và thuế thu nhập doanh nghiệp tạm hoãn lại trong 6 tháng đầu năm 2023 làm lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 20,8 tỷ đồng. Còn lại là điều chỉnh khác sau soát xét của công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Năm 2023, PVOil đặt mục tiêu doanh thu 50.000 tỷ đồng (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng), giảm 52% so năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 480 tỷ đồng, giảm 34%.
Đáng chú ý, tại báo cáo này đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ giá trị khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (công ty liên kết) được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất giữa niên độ với giá trị là 272,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Hoá dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí đã được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định. Dựa trên thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về những thay đổi trong phần vốn góp của PVOil và tài sản thuần của Nhiên liệu Sinh học Dầu khí sau ngày mua khoản đầu tư đến ngày 30/6/2023. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này trên BCTC hợp nhất giữa niên độ hay không.
Giải trình về vấn đề này, PVOil cho biết, khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB) đã phát sinh từ trước khi PVOil cổ phần hóa. Công ty đã có văn bản trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất xác định lại khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa.
Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu có phát sinh thu hồi thanh lý tài sản tại Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOil sẽ nộp toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được PVN xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chính phủ đã đồng ý việc đưa Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ ra khỏi danh sách theo dõi của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Do không thể thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở để lập phương án thoái vốn khỏi PVB, nên không thể triển khai việc thoái vốn khỏi PVB. Hiện PVOil đã làm việc với cổ đông PVB và các bên liên quan để xem xét quyết định phương án xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PVOil ở mức 30.314 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiềng giảm gần một nửa còn 2.131 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng tăng 22% lên mức 9.373 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên mức 9.108 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 27% lên mức 3.752 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên mức 18.419 tỷ đồng. Trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi lên mức 5.678 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh bằng USD, 96% các khoản vay ngắn hạn là vay tín chấp. Trái lại, vay nợ dài hạn giảm nhẹ còn 58,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 158 tỷ đồng trong khi đầu năm vẫn âm gần 186 tỷ đồng.
Hà Ly
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/pvoil-noi-gi-khi-giam-25-ty-dong-lai-rong-sau-soat-xet-va-kiem-toan-co-y-kien-ngoai-tru-2053374.htm