29/07/2024 06:19
29/07/2024 06:19
Quận duy nhất phía Đông sông Hồng “lột xác” thần kỳ sau 20 năm: Ruộng rau thành phố lớn, đất rẻ như cho thành 400 triệu đồng/m2
20 năm trước, quận Long Biên chỉ có một trục chính là đường Nguyễn Văn Cừ. Nhưng nay, các con đường nhánh cũng được mở rộng. Nhà cửa, khu đô thị mọc lên khiến giá đất tăng vài chục lần.
Quận Long Biên được thành lập vào tháng 11/2003 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2004. Quận có diện tích 60,4 km2 trên cơ sở tách ra từ huyện Gia Lâm.
Cho đến nay, Long Biên vẫn là quận duy nhất nằm ở phía Đông sông Hồng. Quận được kết nối với trung tâm Hà Nội qua các cây cầu lớn là cầu Long Biên, cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Trong ảnh là cầu Long Biên, cây cầu lịch sử được khánh thành từ năm 1902.
Khi vừa mới thành lập, quận Long Biên gặp rất nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ; diện mạo đô thị còn lạc hậu; thu ngân sách thấp, năm 2004 cũng chỉ đạt 237 tỷ đồng; các doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, nhất là các doanh nghiệp lớn…
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, quận Long Biên đã có những bước phát triển thần kỳ. Nếu năm 2004, khi mới thành lập, tổng thu ngân sách của Long Biên chỉ đạt 237 tỷ đồng, đến năm 2021, mức thu ngân sách đã tăng 54 lần với hơn 12.700 tỷ. Trong ảnh bên trái, khu vực quận Long Biên năm 2004 còn khá nhiều đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt. Thì đến năm 2024 trong ảnh bên phải, các khu dân cư đã mọc lên chiếm quá nửa diện tích của quận.
Anh Huy Hoàng chia sẻ: “Tôi sống ở huyện Gia Lâm từ 1995, nay là quận Long Biên. Nhìn chung Long Biên có sự phát triển rất tốt, trước đây ở Long Biên có những cánh đồng hoang vu, đến giờ đã được xây dựng thành các khu dân cư, đô thị rất sầm uất”.
Theo anh Văn Thắng (55 tuổi, người dân địa phương) chia sẻ: Tôi sống tại đây từ nhỏ, trước đây lúc mới thành lập quận Long Biên. Khi ấy, quận chỉ có một con đường chính Nguyễn Văn Cừ. Các đường nhánh đều nhỏ, kém phát triển. Nhưng giờ, các đường nhánh cũng được đầu tư làm to đẹp. Như con phố Hồng Tiến trước đây chỉ là làng mạc, trồng rau, chăn nuôi. Giá đất khi ấy rất rẻ nhưng nay giá đất mặt đường đã lên đến 400 triệu đồng/m2. Còn đất trong ngõ nhà tôi cũng hơn 100 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, từ khi thành lập, quận Long Biên nhiều năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 15-21%/năm. Trong ảnh là cầu vượt nút giao Long Biên.
Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế cũng được thay đổi mạnh mẽ khi tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ chiếm đến 73,4%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5%; tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn 0,1%. Đồng thời số doanh nghiệp trên địa bàn tăng mạnh mẽ với hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, con số này tăng gấp hơn 15 lần so với 2004 (647 doanh nghiệp). Trong ảnh là KCN Sài Đồng B.
Cùng với đó, trong 20 năm qua, trên địa bàn quận Long Biên đã triển khai hơn 1.300 dự án đầu tư, với tổng kinh phí trên 123.000 tỷ đồng. Quận đã huy động 95.000 tỷ đồng ngoài ngân sách triển khai hơn 190 dự án. Điển hình là cầu Vĩnh Tuy 2 (song song với cầu Vĩnh Tuy 1) vừa được hoàn thành vào năm 2023, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Ảnh lúc thi công và hoàn thành cầu Vĩnh Tuy (nguồn: Bảo Khang).
Sự phát triển của hạ tầng đã mở lối thu hút cho quận Long Biên hàng loạt các dự án, Khu đô thị lớn như: Khu đô thị Vinhomes Riverside , Khu đô thị Khai Sơn, Khu đô thị Việt Hưng…
Nổi bật nhất phải kể đến là Khu đô thị Vinhomes Riverside do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Vinhomes Riverside có diện tích hơn 270 ha (2,7 km2) nằm tại phường Việt Hưng và Phúc Lợi, quận Long Biên. Với diện tích khủng, quy mô phát triển của dự án lên đến 3.000 căn nhà ở thấp tầng cùng nhiều loại hình như: Biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà vườn, liền kề, shophouse…
Nhiều tuyến phố, các tòa nhà cao tầng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại …tại quận Long Biên liên tục được xây dựng và hoạt động hiệu quả; vừa mang lại tiện ích cho đời sống, đồng thời cũng minh chứng tốc độ phát triển đô thị, sự chuyển dịch đúng hướng, mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế.
Với những thành tựu đã đạt được. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Long Biên được định hướng phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp
Cộng tác viên
Link nội dung:
https://antt.nguoiduatin.vn/quan-duy-nhat-phia-dong-song-hong-lot-xac-than-ky-sau-20-nam-ruong-rau-thanh-pho-lon-dat-re-nhu-cho-thanh-400-trieu-dong-m2-205242907062524614.htm