'Quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá ngày càng tinh vi

Theo Bộ Tư pháp, nhiều quy định về đấu giá tài sản hiện nay chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho tổ chức đấu giá.

quan-xanh-quan-do-trong-dau-gia-ngay-cang-tinh-vi-antt-1688033550.PNG
 

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đăng tải, ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp hội đồng thẩm định dự án Luật đấu giá tài sản (sửa đổi).

Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá, sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.

Tại phiên thẩm định, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự án Luật, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung chính của dự án Luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp người có tài sản lựa chọn hình thức trực tuyến để tổ chức đấu giá tài sản công thì còn ý kiến khác nhau, cụ thể: Có ý kiến cho rằng, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tất cả các loại tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) thì tổ chức đấu giá tài sản có thể lựa chọn sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá.

Ý kiến khác thì cho rằng, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá đối với tài sản công thì tổ chức đấu giá tài sản phải sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (thuộc Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia) để tổ chức việc đấu giá.

Theo đó, đối với tài sản công thì việc quy định sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia vừa đảm bảo tính thống nhất, tập trung, vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có sự kiểm soát chặt chẽ và góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý tài sản công của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Đây cũng là những vấn đề Ban Soạn thảo đưa ra để trao đổi, thảo luận, thống nhất ý kiến.

Bên cạnh đó, trong phiên thẩm định, nhiều câu hỏi được nêu ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi như: Có sự khác nhau hay không giữa khái niệm bán tài sản bằng hình thức đấu giá với xử lý tài sản bằng hình thức đấu giá? Nếu thay từ bán tài sản bằng xử lý tài sản thì liệu có kéo theo việc phải sửa đổi một loạt quy định tại Chương, Điều đang sử dụng khái niệm bán tài sản hay không? Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung như: hình thức đấu giá trực tuyến với một số tài sản bắt buộc, Cơ sở xây dựng Cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản, đào tạo nghề đấu giá viên; các loại tài sản đấu giá, niêm yết việc đấu giá…

Về phạm vi sửa đổi luật, đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ đề nghị phải bám sát nguyên tắc sửa đổi Luật lần này, đó là những vấn đề nào bất cập nhất, vướng mắc nhất thì đưa vào sửa đổi, bổ sung và phải tuân thủ các chính sách đã được Chính phủ đã thông qua.

Về việc lấy ý kiến góp ý dự án Luật, không chỉ gửi đến các thành viên trong Ban Soạn thảo và một số Bộ, ngành liên quan mà phải gửi hồ sơ xin ý kiến tới các cơ quan phản biện xã hội và tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương…

Quy định rõ bước giá và cách áp dụng bước giá trong từng hình thức đấu giá

Về quy định bước giá được quy định tại khoản 1 Điều 5, đại diện của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội cho biết, bước giá là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Nhưng trên thực tế có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như: đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp, hoặc đấu giá bằng hình thức trả giá trực tiếp bằng bỏ phiếu nhiều vòng - những hình thức này, việc trả giá diễn ra cùng 1 lúc mà không có ai trả giá trước hay trả giá sau. Vậy trong trường hợp này, bước giá được áp dụng như thế nào?

Bước giá do người có tài sản quyết định trong trường hợp tài sản đấu giá có mức giá, nhưng trong hình thức đấu giá mà không biết mức giá áp dụng như thế nào thì xử lý ra sao về mức giá?

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 39 về “trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá hoặc giá khởi điểm của tài sản đấu giá không xác định bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó”. Vị đại diện này cho biết, hiện nay tất cả các hình thức đấu giá đều phải có giá khởi điểm, do đó nếu chưa xác định được giá khởi điểm thì không thể thực hiện đấu giá. Do đó, trường hợp này cần phải nghiên cứu, cân nhắc thêm.

Về thông báo công khai việc đấu giá tài sản, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật (sửa đổi) đã bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá thay bằng quy định thông báo công khai ít nhất hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

Theo đại diện của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội, phải xem xét cả quá trình đấu giá, việc thông báo công khai này rất quan trọng để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nếu các tổ chức đấu giá mà “lách” được quy định này thì việc đấu giá sẽ dễ bị “thao túng”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, tại khoản 2 Điều 4 của Luật hiện hành có quy định: Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Còn theo dự thảo Luật sửa đổi, thì cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán bằng hình thức đấu giá do tổ chức đấu giá sản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

Bà Nguyễn Thị Mai đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định này vì nó có thể sẽ làm hạn chế tư nhân tìm đến các hình thức đấu giá khác. Nên cân nhắc, có thể quy định theo hướng, đối với tài sản của tư nhân, họ có thể lựa chọn theo luật này, hoặc có thể lựa chọn một trong số nhiều trình tự thủ tục theo luật khác, chứ không nhất thiết phải theo Luật này.

Về “câu chuyện” một số tài sản lớn thì tiền đặt trước phải đưa vào tài khoản phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng. Theo bà, đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Bởi vì, không chỉ có tài sản được quy định trong Điều 39 của Luật hiện hành (quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mới là tài sản có giá trị lớn.

Trên thực tế, có những tài sản là quyền sử dụng đất ở các vùng sâu, xa cũng chỉ có giá trị vài tỉ, nhưng có những tài sản không phải là quyền sử dụng đất như sân bay, cảng biển, cánh rừng cao su cần thanh lý có giá trị rất lớn, mà dự thảo Luật lại chỉ “chốt” tài sản có giá trị lớn là quyền sử dụng đất là chưa đầy đủ.

Đối với tài sản phong tỏa, luật quy định khi chấm dứt hoặc rút tiền từ tài khoản phong tỏa thì phải có sự có mặt của các bên để xử lý tài khoản đó, nhưng nếu có sự trục trặc mà có những bên không có mặt được thì sẽ không thực hiện được, do đó, quy định này cũng không cần thiết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản

Sau khi nghe các ý kiến tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp Hiến pháp, Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng… Đồng tình với hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản, tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý cần đưa vào Luật sửa đổi những nội dụng chọn lọc, thật sự cần thiết sửa đổi để khắc phục được 5 nhóm hạn chế được nêu ra tại dự thảo Tờ trình, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.

“Thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả, do vậy nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp giúp tăng tính minh bạch thì chúng ta hoàn toàn có thể quy định”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu việc liên kết với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như công chứng, đất đai để tăng tính thuận tiện, minh bạch.

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/quan-xanh-quan-do-trong-dau-gia-ngay-cang-tinh-vi-2052441.htm