Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2023, ông Quốc Anh cho biết, bắt đầu từ quý II/2023, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản (BĐS) đã có xu hướng giảm.
Kết quả khảo sát từ các môi giới bất động sản trong quý 4/2023 của đơn vị này cho biết, 43% môi giới được khảo sát cho rằng giao dịch của thị trường vẫn đang giảm mạnh. Con số này ở quý 1/2023 là 54%, quý 2/2023 là 44%, quý 3/20.23 là 46%
"Thị trường BĐS vẫn còn trong giai đoạn tương đối khó khăn, mối quan tâm bất động sản 2023 là xu hướng đi ngang. Tuy nhiên nhìn vào tiến trình thị trường, có rất nhiều điều kiện cơ bản để tạo nền tảng cho điểm đảo chiều trong giai đoạn sắp tới ", ông Quốc Anh nói.
Chia sẻ về thời điểm thị trường BĐS có thể đảo chiều, ông Nguyễn Quốc Anh đưa ra những phân tích từ chu kỳ quý 2 năm 2013.
Có 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường BĐS. Đó là tăng trưởng tín dụng - lãi suất - chính sách điều hành của Chính phủ.
Về lãi suất, quý 1 năm 2012 ngân hàng nhà nước bắt đầu giảm mạnh, mất khoảng 1 năm sau vào quý 2 năm 2013, thị trường bắt đầu phản ứng. Về tăng trưởng tín dụng, năm 2012 tăng trưởng 7%, năm 2013 tăng 13% cũng mất 1 năm để phản ứng.
Về chính sách, bước sang giai đoạn nửa cuối 2013 và đầu năm 2014, khi Luật Đất đai được thông qua, chính sách tín dụng dần nới lỏng và sự xuất hiện của gói tài chính 30.000 tỷ đồng, thị trường BĐS mới có những tín hiệu phục hồi bước đầu, tồn kho giảm dần, giá bán BĐS được điều chỉnh sát hơn với nhu cầu người mua thực.
Trong 3 yếu tố vĩ mô, thì tăng trưởng tín dụng và chính sách của Chính phủ sẽ là hai yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất.
Năm 2012, tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Sang năm 2013, tăng trưởng tín dụng tăng lên 12% và lạm phát 6%. Ngay trong năm thực hiện nới lỏng tín dụng, thị trường BĐS có ngay tín hiệu đảo chiều và đạt được điểm cân bằng. Giai đoạn cuối 2013 đầu 2014, khi tăng trưởng tín dụng được nới lỏng lên mức 12-14%, thị trường đã bước đầu phục hồi.
Theo ông Quốc Anh, xét trên ba yếu tố đảo chiều là lãi suất - tăng trưởng tín dụng - chính sách, năm 2023 cũng có những điểm sáng khá tương đồng, tạo cơ sở đảo chiều trong thời gian tới. Năm 2023 ghi nhận sự điều chỉnh rất mạnh về lãi suất điều hành. Đặc biệt đến quý 4, lãi suất huy động giảm 3-5% so với đầu năm. Mặt khác, đầu năm chúng ta đưa ra tín dụng tăng trưởng 14-15%. Thực tế đến thời điểm cuối tháng 11/2023 tăng trưởng tín dụng đạt 8,21%.
Về các chính sách bất động sản, nhiều nghị định, nghị quyết được thông qua để hỗ trợ thị trường. Đơn cử như, nghị định 08, nghị quyết 33, gói 120,000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thông tư 06: Ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay ngân hàng khác. Luật kinh doanh BĐS và Luật nhà ở được thông qua và có hiệu lực từ đầu 2025.
Tiến trình thị trường đang có những điều kiện cơ bản để tạo nền tảng cho điểm đảo chiều diễn ra trong giai đoạn quý 3/2024. Ông Quốc Anh nhấn mạnh, đảo chiều không có nghĩa là thị trường sẽ ngay lập tức quay trở lại. Thị trường đang ở một xu thế đi ngang dưới đáy dài hạn, đảo chiều tức là thị trường thoát khỏi xu hướng đi ngang đó và thị trường cần khoảng thời gian nhất định để phục hồi.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/quy-32024-se-la-giai-doan-dao-chieu-cua-thi-truong-bat-dong-san-2056810.htm