Sau giai đoạn bán ròng mạnh xuyên suốt nhiều tháng, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán bất ngờ quay đầu mua ròng trong vài phiên cuối cùng của năm 2023. Dù vậy tính chung cả năm, khối ngoại vẫn bán ròng xấp xỉ 23.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trên HOSE, giá trị bán ròng khoảng 25.000 tỷ đồng, gần như xóa nhòa thành quả mua ròng trong năm 2022 liền trước.
Không nằm ngoài xu hướng trên, các quỹ ETF cũng liên tục bị rút vốn mạnh, trong đó loạt tên tuổi kỳ cựu như DCVFMVNDiamond ETF, DCVFMVN30 ETF hay SSIAM VNFinlead ETF bị rút hàng nghìn tỷ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đó Fubon ETF trở thành điểm sáng hiếm hoi khi vẫn âm thầm hút ròng.
Riêng trong tháng 12 vừa qua, quỹ đã phát hành 48 triệu chứng chỉ quỹ tương ứng hút ròng hơn 17 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2023, dòng tiền vào ETF này đạt hơn 72 triệu USD, tương ứng gần 1.800 tỷ đồng và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Hoạt động hút ròng của Fubon ETF trong năm 2023 bắt đầu với sự kiện quỹ được phê duyệt số tiền huy động vốn bổ sung đợt 5 là 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương ứng dự kiến phát hành thêm 333,3 triệu chứng chỉ quỹ. Thời gian huy động bắt đầu từ ngày 15/3/2023. Ngay trong tháng 3, quỹ đã hút ròng gần 71 triệu USD.
Đà hút ròng sau đó chững lại rõ rệt, thậm chí Fubon ETF còn bị rút vốn mạnh xuyên suốt quý 3/2023 trước khi bất ngờ đảo chiều hút tiền từ nửa cuối tháng 9. Giai đoạn quý 4 ghi nhận Fubon ETF giao dịch tương đối sôi động với các chuỗi mua bán luân phiên.
Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô của Fubon ETF vượt 25,9 tỷ TWD (~844 triệu USD), tiếp tục là quỹ hoán đổi có quy mô lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Danh mục cổ phiếu chiếm đến 99,3% NAV trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất lần lượt là HPG, VHM, VNM, VIC, VCB, MSN, SSI, VRE , VND, DGC.
TTCK Việt Nam duy trì tốt lợi thế thu hút dòng vốn ngoại.
Thời điểm Fubon ETF hút ròng trở lại từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11/2023 trùng với giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh và nhiều cổ phiếu giảm sâu và định giá P/E của VN-Index rơi về vùng hấp dẫn. Tới khi thị trường hồi phục, quỹ nhanh chóng quay đầu bán ròng cổ phiếu.
Việc Fubon ETF trở lại hút ròng trong tháng cuối năm 2023 phần nào thể hiện niềm tin của quỹ ngoại này vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.
Không chỉ các tổ chức ngoại, đội ngũ phân tích trong nước cũng bày tỏ lạc quan về diễn biến thị trường trong năm mới. TPS cho rằng kênh đầu tư chứng khoán vẫn duy trì được sự hấp dẫn trong suốt thời gian qua. So với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E fw khá thấp vào khoảng 9,1 lần. Vì nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn ở những thị trường rẻ hơn để đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới đây.
Với kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi sau khi tạo đáy vào Q4/2022 và tăng tốc vào 2024 thì với mức định giá này, TPS kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có lợi thế thu hút dòng vốn ngoại.
Về điểm số, TPS dự báo VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất). Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường có thể đạt từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.
Phương Linh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/quy-etf-quy-mo-lon-nhat-thi-truong-mua-rong-1800-ty-dong-co-phieu-viet-nam-trong-nam-2023-2057586.htm