Robert Solow đã khiến chúng tay thay đổi cách nghĩ về tăng trưởng kinh tế như thế nào?

Robert Solow, nhà kinh tế tiên phong về lý thuyết tăng trưởng, người đã thay đổi cách nghĩ của chúng ta về tăng trưởng kinh tế. Ông là nhà kinh tế người Mỹ, được biết đến với các đóng góp to lớn và đáng trân trọng về lý thuyết tăng trưởng kinh tế với đỉnh cao là mô hình tăng trưởng ngoại sinh được đặt theo tên ông - Mô hình tăng trưởng Solow.

Robert Solow theo trường phái kinh tế học Keynesian, được xem là một trong những kiến trúc sư của "kinh tế học tân cổ điển". Cùng với các đồng nghiệp Paul Samuelson, James Tobin và Walter Heller, là thành viên của Ủy ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, ông đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế vào những năm đầu thập niên 1960, đặc biệt dưới thời Tổng thống John Kennedy khi cho rằng kinh tế học vĩ mô không chỉ giúp hiểu được thế giới mà còn, ở một mức độ nào đó, thay đổi được thế giới. Về chính trị, Solow tự tuyên bố thuộc cánh trung tả, thân thiện với các chế độ tư bản chủ nghĩa hỗn hợp theo kiểu các chế độ ở Bắc Âu. Ông thậm chí còn thừa nhận đã đam mê lý thuyết kinh tế Karl Marx, khi theo học các buổi giảng của Paul Sweezy. Ông nói Wassily Leontief là người đã đầu tiên đã dạy ông về kinh tế học tại Đại học Harvard.

Nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã luôn thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế học. Những nhà kinh tế học cổ điển và Karl Marx đã đặt tên "tích lũy tư bản" khi đề cập đến tiết kiệm được biến đổi thành đầu tư. Vào giữa thế kỷ XX, theo tư tưởng Keynes, Roy Harrod và Evsey Domar đã xây dựng những mô hình nhấn mạnh tính không ổn định của phát triển và chỉ ra rằng ngay khi đi chệch đường tăng trưởng cân bằng, thì không có lực nào có xu hướng đưa trở lại đường tăng trưởng cân bằng.

Robert Solow đã khiến chúng tay thay đổi cách nghĩ về tăng trưởng kinh tế như thế nào? - Ảnh 1.

Robert Solow

Robert Solow là một nhà kinh tế có nhiều công trình, nhưng chính hai tác phẩm mang tính kỹ thuật cao, được công bố vào các năm 1956 và 1957, mới làm nên sự nổi tiếng của ông và giúp ông đoạt được giải Nobel Kinh tế (1987). Hai nghiên cứu này được coi là nền tảng tạo lập lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển hiện đại một cách chi tiết và tỷ mỉ. Trong bài viết năm 1956, Solow cho rằng sự tăng trưởng ổn định là điều khả thi bằng cách chỉ cần bỏ đi một giả thuyết của mô hình Harrod-Domar. Theo ông, giả thuyết về tính cố định các hệ số sản xuất, có nghĩa là quan hệ giữa số lượng lao động và vốn được sử dụng trong sản xuất là không thực tế. Nếu mối quan hệ này có tính linh hoạt và có thể tự điều chỉnh theo những thay đổi của tiền công các nhân tố, thì sẽ tồn tại một con đường phát triển ổn định trong nền kinh tế được đặc trưng bởi toàn dụng lao động. Từ đó, thông điệp chính của Solow là nhấn mạnh vai trò của tiến bộ kỹ thuật trong sự phát triển, yếu tố cho đến lúc bấy giờ đã bị bỏ qua. Khi đó, bức tranh tăng trưởng đã được giải thích rõ hơn bởi ba nhân tố: gia tăng vốn gắn với tiết kiệm; gia tăng lực lượng lao động gắn với gia tăng dân số; và một nhân tố còn lại, ngoại sinh, đó là sự tiến bộ kỹ thuật, sự đổi mới. Solow cho rằng chính nhân tố cuối này mới là quan trọng nhất chứ không phải tỷ lệ tiết kiệm. 

Trong khi bài viết năm 1956 của ông trình bày một mô hình lý thuyết, thì nghiên cứu công bố năm 1957 đã đưa ra các phương pháp đo lường thực nghiệm các nguồn tăng trưởng, đặt nền tảng cho thuật ngữ "hạch toán tăng trưởng" mà chúng ta đến nay vẫn đang dùng khá phổ biến trong giảng dạy cũng như nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế. Ứng dụng phương pháp này với các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ trong các năm 1909-1949, Solow đã phát hiện ra rằng gia tăng của lượng vốn trên mỗi giờ lao động chỉ giải thích được 1/8 mức tăng trưởng, phần còn lại là do sự tiến bộ kỹ thuật mang lại. Những bài báo này có ảnh hưởng và "được kính trọng nhất trong lý thuyết kinh tế", đã chuyển đổi lý thuyết tăng trưởng từ những cuộc tranh luận mơ hồ về sự ổn định thành một khuôn khổ hoàn chỉnh, linh hoạt để phân tích những tác động của những thay đổi trong tiết kiệm, dân số, khấu hao, và tiến bộ kỹ thuật đến mức độ và tốc độ tăng trưởng của sản lượng.

Phát hiện quan trọng của Solow là sản lượng trên mỗi công nhân tăng nhanh hơn số lượng vốn trong dài hạn và cụm từ "công nghệ" mang ý nghĩa đặc biệt của Solow về sau này chúng ta gọi nó là 'năng suất đa yếu tố' (MFP) hoặc Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), hay phần dư Solow. Đã có nhiều cố gắng giải thích MFP/TFP và qua nhiều năm, các nhà kinh tế đã kết luận rằng đây không chỉ là vấn đề công nghệ theo nghĩa hẹp là kế hoạch sử dụng tài nguyên mà còn bao gồm những vấn đề như hiệu quả quản lý và tốc độ thực hiện các kế hoạch này. Đó có thể là một quy trình tổ chức lao động hoặc/và trang thiết bị hiện có tốt hơn. Solow giải thích tại sao phải xem xét cơ cấu về "độ tuổi" của vốn bằng việc xây dựng những mô hình "có các thế hệ vốn khác nhau" và những cải tiến về kỹ năng của lực lượng lao động. Như vậy, Solow là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những chi tiêu cho nghiên cứu và giáo dục để kích thích tăng trưởng kinh tế và ông cho rằng không thể chỉ dựa duy nhất vào doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục, mà Chính phủ cần đóng một vai trò quan trọng.

Solow được coi là người đầu tiên phát triển một mô hình về tăng trưởng kinh tế với các loại vốn truyền thống. Ý tưởng của ông trong mô hình tăng trưởng dùng vốn truyền thống là vốn mới có giá trị hơn vốn truyền thống bởi vì vốn được tạo ra dựa vào công nghệ đã biết và vì công nghệ lại liên tục phát triển. Sau này, các mô hình tăng trưởng kinh tế của Paul Romer và Robert Lucas, Jr. đều được phát triển trên cơ sở mô hình này. Solow cũng được biết đến khi là người hướng dẫn cho các thế hệ kế tiếp đoạt giải Nobel kinh tế như George A Akerlof và Joseph E Stiglitz, và Peter A Diamond khi họ là sinh viên tốt nghiệp có năng lực tại MIT.

Robert Solow đã khiến chúng tay thay đổi cách nghĩ về tăng trưởng kinh tế như thế nào? - Ảnh 2.

Robert Solow là một nhà kinh tế có nhiều công trình, nhưng chính hai tác phẩm mang tính kỹ thuật cao, được công bố vào các năm 1956 và 1957, mới làm nên sự nổi tiếng của ông và giúp ông đoạt được giải Nobel Kinh tế (1987)

Những tranh luận của Solow với cánh tả và cánh hữu trong kinh tế học

Sự nghiệp của Solow được đánh dấu bởi những cuộc tranh luận gay gắt với các trường phái được gọi là cánh tả và cánh hữu trong kinh tế học. Cuộc tranh luận đầu tiên, và được biết đến nhiều nhất, đã đối lập ông với các nhà lý thuyết hậu Keynesian. Các nhà kinh tế theo trường phái hậu Keynesian đều xuất thân từ Đại học Cambridge, ở Anh, trong khi Solow và đồng minh chính của ông, Samuelson cũng xuất thân từ Đại học Cambridge, nhưng ở Massachusetts, và "cuộc chiến của hai trường Cambridge" nổ ra ác liệt trong những năm 1950 và 1960. Những nhà lý thuyết hậu Keynesian đã không chấp nhận sự tồn tại của một mô hình tăng trưởng ổn định và họ cho rằng khiếm khuyết chính của mô hình này là có thể đo lường một đại lượng được gọi là "vốn" độc lập với giá cả và tỷ suất lợi nhuận. Solow đáp lại sự phê phán trên bằng cách đưa ra một khái niệm mới, khái niệm về tỉ suất lợi nhuận của vốn, và như Joan Robinson mô tả quan điểm của Solow và Samuelson giống như là "chủ nghĩa Keynes tạp chủng", cho thấy sự khắc nghiệt của một cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết.

Sau tranh luận với cánh tả, Solow bắt đầu "cuộc chiến" từ những năm 1970 với các nhà kinh tế học vĩ mô "cổ điển mới" theo chủ nghĩa trọng tiền. Trong khi các học giả hậu Keynesian phản bác mô hình tăng trưởng năm 1956 của ông, thì các học giả "cổ điển mới" đã thách thức "đường cong Phillips" mà ông cùng với Samuelson đưa ra trong một bài viết năm 1960. "Đường cong Phillip" phản ánh một sự đánh đổi ổn định giữa lạm phát và thất nghiệp và là cơ sở cho các nhà chính trị một sự lựa chọn mục tiêu thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ. Milton Friedman vào năm 1968 đã khẳng định sự tồn tại của một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, mà các chính sách kinh tế truyền thống không thể làm giảm tỷ lệ này được. Vì vậy, không có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp trong dài hạn. Theo các nhà kinh tế học "cổ điển mới", thì thậm chí cũng không có sự đánh đổi trong ngắn hạn, và do vậy mọi chính sách kinh tế đều không hiệu quả. Mặc dù Solow nói rằng với sự phổ biến đang tăng lên của các lý thuyết mới, ông đã bắt đầu giảng dạy "kinh tế học vĩ mô đối lập", nhưng ông phê phán mạnh mẽ những phương pháp tiếp cận tập trung vào sự tự điều chỉnh của các thị trường và triệt thoái vai trò kinh tế của Nhà nước. Trong khi thừa nhận đường Phillips có thể không có sự ổn định, ông vẫn không chấp nhận khái niệm về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

Nghịch lý Solow

Tên tuổi của Solow cũng gắn với một nghịch lý nổi tiếng, gọi là Solow Computer Paradox (Nghịch lý Solow). Ông có một câu nói nổi tiếng: "Bạn có thể thấy thế hệ máy tính hiện diện khắp mọi nơi nhưng không phải trong các thống kê năng suất". Đây là một tuyên bố khá mạnh và gây nhiều tranh cãi. Nhận định này của Solow dựa trên số liệu thực tế là tăng trưởng năng suất trong nhiều thập kỷ gần đây đã không theo kịp với gia tăng trong chi tiêu cho công nghệ thông tin. Khoản chi này gần 6 nghìn tỷ đô la mỗi năm và tăng gần 20 lần trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 2015. Trong cùng thời gian này, GDP toàn cầu chỉ tăng gấp 3 lần. Đây chính là nghịch lý Solow. Có 3 luận điểm giải thích về "Nghịch lý Solow": (i) Về cách đo lường: có lẽ công nghệ có tác động có lợi tới năng suất kinh tế theo nghĩa rộng, và không tác động nhiều tới GDP do thước đo này khá hạn chế, (ii) Có độ trễ: có thể công nghệ có tác động tích cực đến GDP, nhưng sẽ chỉ thể hiện rõ sau một khoảng thời gian dài, và (iii) Bị trung hòa: nó có tác động tích cực đến GDP và trong ngắn hạn, nhưng nó đã bị trung hòa bởi các yếu tố khác.

Các cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế về "nghịch lý" này liệu có xảy ra với kỷ nguyên AI hay không cho thấy đã có những lo lắng khi cho rằng liệu các nhà phát triển AI đang có những nhận định và đánh giá quá lạc quan về công nghệ AI và vai trò của nó đối với gia tăng năng suất hay không? Hiện tại, phần lớn các nghiên cứu về tác động của AI đến năng suất đều tin rằng các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc sử dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh để mở rộng phương thức hoạt động và cải thiện năng suất lao động. Với thực tế là ChatGPT và các AI tạo sinh khác hiện nay chủ yếu là tự động hóa các công việc nhận thức, nó khác với các yêu cầu đòi hỏi đầu tư vào thiết bị và cơ sở hạ tầng, nên việc tăng năng suất được kỳ vọng có thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với cuộc cách mạng công nghệ thông tin trước đây. Mặc dù phán quyết về thời điểm gia tăng năng suất sẽ xảy ra với AI vẫn chưa chắc chắn, nhưng một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng có thể thấy năng suất sẽ gia tăng mạnh hơn vào cuối năm 2024.

Được coi là người đi tiên phong về các nghiên cứu về lý thuyết tăng trưởng, kể từ sau khi Solow công bố công trình năm 1956, hàng loạt mô hình tăng trưởng kinh tế phức tạp đã được xây dựng, dẫn tới nhiều kết luận khác nhau về nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế. Song cho đến nay, vẫn có nhiều nhà kinh tế sử dụng cách tính nguồn tăng trưởng của Solow để ước lượng sự đóng góp của các nhân tố thay đổi công nghệ, vốn và lao động vào tăng trưởng kinh tế. Một số mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở xây dựng các kịch bản theo mô hình tăng trưởng Solow. Lý thuyết tăng trưởng Solow được coi là một nền tảng cơ bản, lý thuyết "gối đầu giường" của hầu hết các thế hệ sinh viên kinh tế Việt Nam đến nay.

Kinh tế học cũng như các khoa học là tiến hóa. Những luận điểm của Solow về mô hình tăng trưởng "tân cổ điển" và các cuộc tranh xung quanh vấn đề từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế thực sự đã làm giàu kho tàng và sự phát triển của kinh tế học, và đúng như dưới con mắt ông, không hề có một chân lý cuối cùng và không thể vượt qua, không có "lý thuyết của mọi thứ". Khi Solow qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 2023, ông chỉ còn một năm nữa là tròn 100 tuổi, tuy nhiên di sản của ông sẽ còn tồn tại mãi.

Robert Solow đã khiến chúng tay thay đổi cách nghĩ về tăng trưởng kinh tế như thế nào? - Ảnh 3.


Tác giả: GS Trần Thọ Đạt, Vũ Tuấn Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tác giả: GS Trần Thọ Đạt, Vũ Tuấn Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/robert-solow-da-khien-chung-tay-thay-doi-cach-nghi-ve-tang-truong-kinh-te-nhu-the-nao-2058923.htm