Công ty CP Phát hành Sách Thái Nguyên (MCK: STH, UpCOM) mới đây đã công bố BCTC quý III/2023 với kết quả không mấy lạc quan.
Cụ thể, trong kỳ, doanh thu thuần của doanh nghiệp này ở mức 6,07 tỷ đồng, giảm 36,4% so với mức 9,55 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng tiết giảm đáng kể từ 6,26 tỷ đồng xuống còn 3,6 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt 2,44 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí lãi vay lại tăng đột biến từ 49,2 triệu đồng lên 848,5 triệu đồng. Chi phí bán hàng ở mức 737,9 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 2,1 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Sách Thái Nguyên báo lỗ sau thuế quý III/2023 hơn 1,1 tỷ đồng; giảm 282% so với khoản lãi 606,2 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Giải trình về chênh lệch lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp này cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế năm 2023 đến sức tiêu thụ sản phẩm khiến doanh thu công ty quý III/2023 giảm 1/3 so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty vẫn phải duy trì các khoản chi phí hoạt động, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty chuyển từ lãi cùng kỳ sang lỗ trong kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Sách Thái Nguyên ở mức 18,8 tỷ đồng, giảm gần 10,4%; lãi ròng đạt gần 2,9 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức lãi hơn 933 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng nguồn vốn của STH là hơn 217 tỷ đồng, giảm 17,2% so với thời điểm đầu năm, trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn hơn 177,7 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức hơn 18 tỷ đồng, với vay và nợ thuê tài chính 11,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo BCTC quý III/2023, Sách Thái Nguyên có khoản phải thu ngắn hạn hơn 140,1 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu từ Công ty CP Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) 135,4 tỷ đồng.
Được biết, đây là khoản tiền hợp tác kinh doanh với bên liên quan là Công ty Thái Hưng theo hợp đồng hợp tác kinh doanh năm 2019. Cụ thể, Sách Thái Nguyên và Thái Hưng cùng nhau góp vốn kinh doanh để xây dựng, vận hành và khai thác dự án công trình: "Trường mầm non quốc tế IRIS và trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông IRIS".
Tuy nhiên, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 01/2022/STH?NQ-ĐHĐCĐ ngày 16/6/022 của Sách Thái Nguyên và Biên bản thỏa thuận số 2606/BBTT.2022/TH-STJ ngày 26/6/2022 với Công ty Thái Hưng đã thông qua phương án dự kiến thu hồi vốn đầu tư tại dự án trên.
Tính đến ngày 31/12/2022, STH đã thu hồi số tiền đầu tư là 45 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, STH cũng có khoản vay hơn 5 tỷ đồng của Công ty Thái Hưng. Con số này đã giảm đáng kể so với mức 38,3 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Được biết, mục đích vay vốn từ Thái Hưng là dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty; thời hạn vay 26 tháng kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Sách Thái Nguyên trước đây được biết đến là công ty 100% vốn của nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2003. Khi đó STH có vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước nắm 51%, và cổ đông là cán bộ, công nhân viên sở hữu 49%.
Năm 2008, STH tăng vốn điều lệ lên 2 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước chỉ sở hữu 49%. Và đến năm 2010, cổ đông Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại đây.
Là doanh nghiệp kinh doanh sách, lợi nhuận không cao song Sách Thái Nguyên có lợi thế sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có thể kể đến khu đất số 65 Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên.
Tháng 5/2019, STH có bước tăng vốn mạnh từ 2 tỷ đồng lên mức 65 tỷ đồng, lúc này vai trò của Thái Hưng và những người liên quan mới được thể hiện rõ nét.
Theo BCTC quý III/2023 của STH, tính đến ngày 30/9/2023, Thái Hưng đang trực tiếp sở hữu 18,64% vốn tại Sách Thái Nguyên. Ngoài ra, những cá nhân liên quan đến Chủ tịch Nguyễn Quốc Thái và Công ty Thái Hưng cũng đang nắm lượng lớn cổ phần, đồng thời giữ các vị trí chủ chốt tại.
Hai người con gái của ông Thái là bà Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Thị Quy lần lượt sở hữu 11,05% và 13,44% vốn STH và Bạch Phương Vinh (con dâu ông Nguyễn Quốc Thái) nắm 11,05%.
Hiện, bà Quy đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sách Thái Nguyên còn bà Nguyễn Thị Vinh và bà Bạch Phương Vinh là thành viên HĐQT. Trưởng Ban Kiểm soát của STH là bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng là người có liên quan đến Công ty Thái Hưng.
Dưới sự điều hành của những nhân sự Thái Hưng, STH ký hợp đồng hợp tác với chính Công ty Thái Hưng, để thực hiện dự án trường học liên cấp quốc tế IRIS (Khu đô thị Thái Hưng Eco City) đã nói ở trên.
Về Thái Hưng, công ty này tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng kinh doanh thép từ năm 1993, được xây dựng bởi vợ chồng ông bà Nguyễn Quốc Thái- Nguyễn Thị Cải.
Tính đến tháng 10/2016, quy mô vốn điều lệ của Thái Hưng được nâng lên mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân. Trong đó vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải mỗi người sở hữu 24,8% vốn điều lệ.
Các con của ông Thái và bà Cải là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Thượng Nguyên nắm 35,4% vốn điều lệ. 15% vốn điều lệ còn lại nằm trong tay hai cổ đông Lê Hồng Khuê và Trịnh Gia Tâm (2 người con rể của ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải).
Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 2/2022, vốn điều lệ của Thái Hưng được điều chỉnh từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này không được tiết lộ.
Từ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành thép, những năm gần đây, Thái Hưng dần chuyển sang hướng kinh doanh bất động sản. Nổi bật đó là dự án Thái Hưng Eco City (Crown Villas) tọa lạc tại vị trí vàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, ngay "cửa ngõ" TP.Thái Nguyên.
Nguồn gốc lô đất vàng nói trên vốn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng.
Tháng 7/2016, Công ty Thái Hưng tham gia mua đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng và trúng đấu giá tài sản với số tiền gần 57 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng.
Ban đầu Thái Hưng cam kết sẽ đưa nhà máy thép Gia Sàng hoạt động trở lại. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động, cuối năm 2016, Thái Hưng cho nhà máy dừng hoạt động với lý do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều và cho tháo dỡ nhà máy thép. Đồng thời, Công ty Thái Hưng đã đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép để thực hiện dự án bất động sản trên lô đất vàng của thép Gia Sàng.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City, sau đó có tên thương mại là Crown Villas.
Bạch Hiền
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sach-thai-nguyen-cua-chu-tich-nguyen-quoc-thai-bao-lo-quy-iii2023-2055231.htm