Saigonbank: Tổng tài sản quý I/2023 sụt giảm, nợ xấu tăng nhẹ

Theo Báo cáo tài chính quý I/2023, tổng tài sản của Saigonbank sụt giảm 5,1 % so với đầu năm. Trong khi đó nợ xấu tăng 8,8% do khách hàng vay tiêu dùng và nhiều công ty không trả được nợ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, MCK: SGB, UPCoM) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần mang về hơn 223 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

saigonbank-tong-tai-san-quy-i-2023-sut-giam-no-xau-tang-nhe-1681980539.jpg
Nợ xấu Saigonbank tăng 8,8% so với đầu năm lên xấp xỉ 433 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng và kinh doanh ngoại hối tăng 6,5%. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng mang về 4 tỷ đồng cho ngân hàng trong 3 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn chưa ghi nhận. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ này, Saigonbank giảm hơn 60% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống mức 31 tỷ đồng cùng với những nguồn thu tăng giúp ngân hàng báo lãi trước thuế 104 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Các khoản kinh doanh khác như huy động vốn đạt 21.793,19 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi đạt 82,27%, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn 85%).

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông 2023, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 đạt 300 tỷ đồng, tăng 26,5% so với kết quả năm 2022. Với kết quả kinh doanh quý đầu, ngân hàng đã thực hiện được 35% kế hoạch năm đề ra.

Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 26.285 tỷ đồng, thu hẹp 5,1% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác giảm 13%, xuống mức 4.355 tỷ đồng, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn sụt giảm mạnh.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Saigonbank đạt 15,33%, gần gấp đôi so với mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 8% và thuộc top có CAR cao trong hệ thống.

Cho vay khách hàng cũng giảm 1,2% xuống còn 18.481 tỷ đồng. Về chất lượng nợ, nợ xấu của Saigonbank tăng 8,8% so với đầu năm lên xấp xỉ 433 tỷ đồng. Trong số này, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 17%, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 7%, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,1% lên 2,3%.

Cũng tại thời điểm 31/3, tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Saigonbank là 147%, tăng đột biến hơn 3 lần so với đầu năm nay.

Ngân hàng này lý giải, nợ xấu tăng là do có một số khách hàng vay tiêu dùng tại các ngân hàng và công ty tài chính khác không trả được nợ, bị chuyển sang nợ xấu. Ngoài ra, một số khách hàng Saigonbank phải chuyển nhóm sang nợ xấu theo tổ chức tín dụng khác (qua thông tin CIC).

Ngân hàng cũng cho biết, tất cả các khoản nợ xấu đều được kiểm soát chặt chẽ và có tài sản bảo đảm đầy đủ, đồng thời được phân loại và thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Trong một diễn biến khác, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Saigonbank sẽ được tổ chức vào ngày 27/4 tới. Trong tài liệu gửi cổ đông trước Đại hội, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2023 đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022.

Trong đó tổng dư nợ cho vay đạt 20.915 tỷ đồng, tăng 6,9%. Vốn huy động của ngân hàng đạt 24.750 tỷ đồng, tăng 6%. Thanh toán đối ngoại ở mức 330 triệu USD tương đương khoảng 7.600 tỷ đồng.

Ngân hàng này cho biết, sẽ không có kế hoạch tăng vốn cũng như chia cổ tức trong năm 2022 và 2023. Trong năm 2021, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức 5% cho cổ đông bằng tiền mặt nhưng bị hoãn lại, với lý do tăng cường khả năng chống chịu trước đại dịch.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/saigonbank-tong-tai-san-quy-i2023-sut-giam-no-xau-tang-nhe-205975777.htm