Sao Mai Việt muốn huy động 400 tỷ đồng từ chào bán cổ phiêu riêng lẻ để ‘rót vốn’ làm dự án tại Phú Quốc

UNI sẽ chào bán 40 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.Nếu khả thi, Sao Mai Việt sẽ thu về 400 tỷ đồng, qua đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 156,2 tỷ đồng lên 556,2 tỷ đồng.

sao-mai-viet-muon-huy-dong-400-ty-dong-tu-chao-ban-co-phieu-rieng-le-de-rot-von-lam-du-an-tai-phu-quoc-antt-1701936382.png
Quy hoạch khu dân cư và biệt thự biển cao cấp Viễn Liên tại Phú Quốc của Sao Mai Việt. Nguồn: UNI.

CTCP Đầu Tư Và Phát Triển Sao Mai Việt (MCK: UNI) mới công bố thông tin bất thường về việc đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Theo đó, công ty sẽ cháo bán 40 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện UNI đang lưu hành hơn 15,6 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ số cổ phiếu đăng ký chào bán trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành là 256,12%.

Nếu khả thi, Sao Mai Việt sẽ thu về 400 tỷ đồng, qua đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 156,2 tỷ đồng lên 556,2 tỷ đồng.

Thời gian chào bán dự kiến tử năm 2023-2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận việc chào bán.

Theo danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu được thông qua, có 3 cá nhân và 1 tổ chức đăng ký tham gia đợt chào bán này. Điểm chung là cả 3 cá nhân đều đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu dự kiến sau đợt cháo bán là 16,18%, danh sách gồm bà Phan Hồng Mỹ Phương - Chủ tịch HĐQT, ông Lê Hoàng Sơn - Kế toán trưởng và bà Hoàng Thị Nhung - Thành viên Ban kiểm soát.

Trong khi đó, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư FPT là tổ chức duy nhất đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu, tương ứng sở hữu 23,37% sau đợt chào bán.

Về kế hoạch sử dụng vốn, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư, phát triển dự án Viễn Liên tại xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo phương án sử dụng vốn chi tiết, kế hoạch chi đầu tư trong giai đoạn 2023 – 2024 khoảng 450 tỷ đồng với 400 tỷ đồng dự thu từ phát hành thêm. Trong đó, chi phí xây dựng cần nhiều vốn nhất, khoảng 300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75%.

Dự án Viễn Liên cần đầu tư khoảng 780 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 556 tỷ đồng gồm vốn góp ban đầu 156 tỷ đồng (đáp ứng yêu cầu vốn tự có tối thiểu 20%) và từ phát hành riêng lẻ 400 tỷ đồng.

Đối với 224 tỷ đồng còn lại bao gồm vốn vay từ các tổ chức tín dụng do chủ đầu tư tự cân đối để tối ưu chi phí tài chính, đồng thời đảm bảo tỷ lệ cơ cấu vốn tham gia đầu tư theo quy định.

Theo đó, UNI dự định vay từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)– chi nhánh Bến Thành. Hạn mức tín dụng khả dụng của Công ty tại VPB hiện đang còn 330/600 tỷ đồng. Ngoài ra, UNI có thể sẽ vay tổ chức, cá nhân khác hoặc lấy từ nguồn thu được từ các hoạt động kinh doanh của Công ty.

Dự án khu dân cư biệt thự biển cao cấp Viễn Liên được chấp thuận đầu tư từ năm 2013, 4 năm sau khi có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết quy mô 11,3 ha với thời gian hoạt động được cấp phép đến 70 năm. UNI được giao đất để sử dụng vào mục đích đầu tư dự án từ năm 2014.

Tháng 04/2022, UNI được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 4,5 ha.

Đến đầu năm 2023, dự án mới được Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư.

Về tình hình kinh doanh tại UNI, kết thúc 9 tháng năm 2023, công ty đạt 1,71 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế hơn 542 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 1,1 tỷ đồng).

 

Hà Anh (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sao-mai-viet-muon-huy-dong-400-ty-dong-tu-chao-ban-co-phieu-rieng-le-de-rot-von-lam-du-an-tai-phu-quoc-2056584.htm