Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành chức năng của Việt Nam liên quan tới bảo vệ Dữ liệu cá nhân (DLCN); đại diện Đại sứ quán Ấn Độ; đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ; đại diện Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; một số hiệp hội, tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các chuyên gia, học giả về công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo vệ DLCN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, “nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam còn hạn chế; tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng thường xuyên diễn ra”.
“Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý DLCN cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, DLCN..., nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, Thứ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ thêm.
Liên quan đến một số vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước về thương mại và kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, đưa ra một số khuyến nghị: "Thứ nhất, khuyến nghị cân nhắc, đảm bảo, cân đối, cân bằng giữa bảo vệ và khai thác dữ liệu thông tin cá nhân như một nguồn tài nguyên của xã hội, đất nước. Thứ hai, khuyến nghị tiếp cận bảo vệ dữ liệu cá nhân, hệ thống hóa lại quyền của chủ sở hữu dữ liệu. Cuối cùng, cần có quy định đảm bảo nền tảng, nhà cung cấp dịch vụ quy mô lớn, có trách nhiệm với người tiêu dùng Việt Nam và với pháp luật Việt Nam".
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Laps chia sẻ, “3 công nghệ khá nổi tiếng trong 3 - 4 năm trở lại đây là blockchain, AI tạo sinh và metaverse còn quá mới nên tạo ra lỗ hổng trước đây chưa từng có”.
Ví dụ như blockchain là những thứ giống như tự động, an toàn…, đều là tính năng rất tốt về mặt công nghề, nhưng về khía cạnh bảo vệ dữ liệu cá nhân thì tồn tại thử thách rất là lớn. Chẳng hạn như, luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đều yêu cầu phải xóa, hoặc cho phép người dùng không để lại dữ liệu cá nhân thì blockchain không thể làm được điều đó.
Không những thế, blockchain còn cho phép tất cả thông tin được hiển thị một cách rất rõ ràng. Mặc dù blockchain có cơ chế về mã hóa bán danh, tuy nhiên khi kết hợp yếu tố đó với hành vi sử dụng người dùng thì các cơ quan vẫn có thể truy xuất được người đó là ai.
“Một công nghệ khác rất được quan tâm là AI tạo sinh, giống như kiểu ChatGPT. Một vấn đề chúng ta sẽ thấy được rất nhiều trong thời gian sắp tới là vô tình tiết lộ dữ liệu cá nhân khi chúng ta nói chuyện với AI, ChatGPT. Khi chúng ta dạy nó trở nên thông minh hơn thì có thể đâu đó chúng ta sẽ vô tình làm lộ thông tin”, ông Huy cho biết.
Cuối cùng là metaverse, đây là công nghệ có một số tính năng lớn, trong đó cho phép ta tương tác xã hội trong thời gian thực, tạo tương tác đa giác quan và từ đó tạo ra nền kinh tế số mới. Trong đó, dữ liệu không chỉ được thu thập từ âm thanh, hình ảnh mà ngay cả biểu hiện trên sắc mặt, những chỉ số khác nhau về nhịp tim, đường máu… tạo nên luồng dữ liệu mới trước này chưa từng có. Và điều này cũng tạo ra những rủi ro cho dữ liệu cá nhân.
Mặc dù rủi ro về dữ liệu cá nhân rất lớn nhưng vẫn có tin vui, để kiểm soát rủi ro từ sự phát triển công nghệ, để tạo ra nền tảng bảo vệ tốt thì pháp lý và công nghệ cần song hành để tạo cơ chế bảo vệ mới. Cùng với đó, cần có đối thoại, làm việc song hành giữa cơ quan pháp chế và công nghệ để bảo vệ dữ liệu người dùng, ông Huy đề xuất.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: Hội thảo đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính “Công bố định hướng, quan điểm, những nội dung chính trong xây dựng chính sách bảo vệ DLCN” và “Tiếp thu những khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ DLCN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Việt Nam”.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sap-toi-day-thong-tin-ca-nhan-cua-nhieu-nguoi-se-vo-tinh-bi-lo-theo-cach-it-ai-ngo-toi-20515701.htm