Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, một số giám đốc điều hành đã bày tỏ kỳ vọng của mình với một dạng AI ngang bằng hoặc thậm chí vượt xa trí tuệ con người. Tuy nhiên, hình thù siêu trí tuệ nhân tạo này (hay còn được gọi là AGI) như thế nào, được áp dụng ra sao…đến nay vẫn là những câu hỏi bí ẩn.
AGI được coi là “chén thánh” của AI bởi có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, dù là cờ vua hay câu đố toán học. Trước lo ngại rằng những dạng AI này có thể định hình lại hoặc phá hủy thế giới, CEO OpenAI Sam Altman tin rằng đây hoàn toàn là những nỗi sợ phóng đại.
“Nó sẽ thay đổi thế giới ở mức ít nhiều so với những gì chúng ta vẫn tưởng”, Altman phát biểu.
Được biết, người đàn ông này đã thay đổi quan điểm về AI kể từ khi công ty bị đưa vào tầm ngắm của giới chức quản lý. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm 2023 với ABC News, Altman cho biết ông và công ty mình khá sợ rủi ro mà siêu AI mang lại.
“Chúng ta phải cẩn thận. Tôi nghĩ mọi người nên vui vì chúng tôi sợ điều này”, Altman nói và cho biết bản thân lo ngại khả năng AI được sử dụng cho những “thông tin sai lệch trên quy mô lớn”.
“Khi thế giới tiến gần hơn đến AGI, những rủi ro, căng thẳng sẽ tăng lên”, Altman nói.
Theo Aidan Gomez, CEO kiêm đồng sáng lập công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Cohere, vấn đề then chốt với AGI là nó vẫn chưa được xác định rõ ràng là công nghệ. “Trước hết, AGI là một thuật ngữ được định nghĩa siêu mơ hồ. Câu hỏi thực sự là chúng ta có thể áp dụng nó như thế nào, đưa vào sản xuất ra sao”.
Lila Ibrahim, giám đốc điều hành phòng thí nghiệm AI DeepMind của Google, cho biết không ai thực sự biết loại AI nào đủ tiêu chuẩn “trí tuệ thông minh”. Ông lưu ý rằng điều quan trọng là phải phát triển công nghệ một cách an toàn.
“Thực tế là không ai biết khi nào AGI sẽ đến”, Ibrahim nói với Kharpal của CNBC. Chúng tôi đã nhìn thấy những lĩnh vực mà AI có khả năng vượt trội hơn con người. AI có thể hợp tác với con người hoặc được coi như một công cụ. Tôi nghĩ đó thực sự là một câu hỏi mở và không biết phải trả lời thế nào”.
Altman không phải là giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu duy nhất được hỏi về rủi ro AI tại Davos.
Marc Benioff, Giám đốc điều hành công ty phần mềm doanh nghiệp Salesforce, cũng cho biết thế giới công nghệ đang thực hiện một số bước để đảm bảo rằng cuộc đua AI không dẫn đến “khoảnh khắc Hiroshima”, nơi máy móc mạnh đến mức vượt khỏi tầm kiểm soát và quét sạch loài người.
Trước đó, Geoffrey Hinton, được mệnh danh là “cha đỡ đầu của AI”, đã đưa ra cảnh báo rằng các chương trình tiên tiến “có thể thoát khỏi sự kiểm soát bằng cách viết mã của chính mình để tự sửa đổi”.
“Một trong những cách để thoát khỏi kiểm soát là các hệ thống này viết mã máy tính của riêng chúng để tự sửa đổi. Đó là điều chúng ta cần lo lắng”, Hinton nói.
Được biết, việc ông Hinton đã rời bỏ vị trí phó chủ tịch Google vào năm ngoái đã dấy lên nhiều lo ngại về cách công ty giải quyết các vấn đề an toàn và đạo đức AI.
Jack Hidary, Giám đốc điều hành SandboxAQ, cũng bác bỏ quan điểm của một số giám đốc điều hành công nghệ cho rằng AI có thể sắp đạt đến trí tuệ thông minh “chung”. Nhiều hệ thống vẫn cần sự hỗ trợ của con người.
Trước đó, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, Elon Musk cùng hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa ký một bức thư yêu cầu các biện pháp bảo mật và tạm dừng phát triển các mô hình AI trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Họ lập luận rằng các mô hình AI mạnh mẽ như GPT-4 của OpenAI chỉ nên phát triển nếu dành được sự tin tưởng và kiểm soát được toàn bộ rủi ro.
Đây không phải lần đầu các tinh hoa công nghệ lên tiếng kêu gọi “rào chắn” xung quanh AI - thứ đang ngày càng tinh vi và phát triển mạnh mẽ.
“Đó là một ý tưởng rất hay để làm chậm quá trình phát triển mô hình mới bởi vì nếu AI thực sự tốt, việc chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm cũng chẳng có hại gì, dù sao chúng ta cũng sẽ đi đến đích”, James Grimmelmann, giáo sư về kỹ thuật số cho biết. “Nếu nó có hại, chúng tôi chỉ cần dành thêm thời gian để hoạch định cách đối phó”.
Elon Musk trước đây vốn rất háo hức về những công nghệ kỳ vọng là tương lai của nhân loại, từ ô tô điện cho đến dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo, CEO Tesla lại tỏ ra khá thận trọng. Phát biểu tại Đại học MIT vào năm 2014, Musk gọi AI là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất”, thậm chí so sánh nó với công cụ thống trị trái đất.
“ChatGPT vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng lại khiến mọi người cho rằng nó hoàn hảo. Chúng ta không nên phụ thuộc vào chatbot này đối với những vấn đề quan trọng”, Sam Altman nói.
Theo: CNBC, BI
Vũ Anh