Bị đuổi khỏi thị trường quan trọng nhất
Tháng 10 năm 2023, khi đang trên đà phát triển như vũ bão thì TikTok bất ngờ phải đóng cửa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Indonesia. Đây vốn là thị trường quan trọng bậc nhất của TikTok trong mảng thương mại điện tử, đóng góp hơn 70% GMV hàng năm cho công ty.
Một phần nguyên nhân của việc bị "cấm cửa" là các cửa hàng trên TikTok Shop bán hàng với giá quá rẻ, gây thiệt hại cho hệ sinh thái kinh doanh, buôn bán địa phương, từ đó "làm mất lòng" các nhà lãnh đạo Indonesia.
Màn 'tái xuất' khiến nhiều người bất ngờ
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, TikTok thông báo rằng công ty đã đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với kỳ lân công nghệ của Indonesia là GoTo Group. Đây là công ty nắm giữ Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất nước này. Tokopedia vốn được thành lập vào năm 2009. Năm 2021, nó sáp nhập với công ty du lịch Gojek để lập nên GoTo, sau đó niêm yết niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia.
Theo đó, TikTok đạt được quyền kiểm soát 75% cổ phần của liên doanh và sẽ hợp nhất TikTok Shop với Tokopedia. Và như thế, TikTok lại có thể quay trở lại đường đua Indonesia một cách đường đường chính chính, sớm hơn nhiều so với dự đoán và mong đợi của nhiều người.
Theo ý kiến của người trong ngành, với các điều kiện pháp lý như hiện nay ở Indonesia, việc thâu tóm Tokopedia là cách nhanh nhất để TikTok quay trở lại. Theo như quy định của Indonesia, TikTok là công ty truyền thông xã hội nên không được phép kinh doanh thương mại điện tử, nếu muốn thì phải xin giấy phép kinh doanh riêng rẽ. Tuy nhiên, quá trình xin giấy phép kéo dài rất lâu và cũng không có gì đảm bảo chính phủ nước này sẽ chấp thuận. Do đó, cách thức gọn lẹ nhất là mua lại luôn một nền tảng thương mại điện tử ở địa phương.
Sau khi sáp nhập, TikTok dự kiến sẽ nắm được 30% thị trường thương mại điện tử của Indonesia, gấp đôi thị phần so với hồi trước khi bị cấm cửa.
Trở về hoành tráng nhưng vẫn "dĩ hòa vi quý"
Khi TikTok quay trở lại, giới chức Indonesia đã đề xuất năm điều kiện, hai trong số đó là "giá hàng hóa từ nước ngoài không được phép thấp hơn hàng hóa trong nước" và "cấm bán hàng với giá thấp hơn giá vốn", chủ yếu để bảo vệ những người bán trong nước mình. Để đáp lại những điều kiện trên và bày tỏ tinh thần hợp tác, TikTok Shop đã đưa ra một số chính sách mới.
Trước khi bị "đuổi" khỏi Indonesia, TikTok Shop không cho phép quảng cáo hay chuyển hướng người dùng tới những đường link cửa hàng bên ngoài. Sau khi quay trở lại, TikTok đã nới lỏng kiểm soát hơn, cho phép người bán thực hiện một số hoạt động mà trước đây từng bị cấm.
TikTok cũng tỏ ra thân thiện hơn với các cửa hàng địa phương. Các cửa hàng như thế này sẽ có gắn logo "BeliLokal" và nhận được nhiều hỗ trợ. Cửa hàng nào không có logo này thì sẽ bị hạn chế, chỉ được phép bán 100 đơn mỗi ngày.
Ngoài ra, để tránh phải mang tiếng "cạnh tranh giá không lành mạnh", TikTok cho phép những sản phẩm có giá cao hơn sẽ được đẩy hiển thị cao hơn, từ đó tỉ lệ chuyển đổi cũng sẽ tốt hơn.
Xét cho cùng, so với các quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia có dân số đông nhất và trẻ nhất. Indonesia cũng không muốn từ bỏ những cơ hội mà TikTok mang lại cho ngành thương mại điện tử nước mình. Ngược lại, TikTok cũng không thể dễ dàng vuột mất thị trường tiềm năng nhất. Hai bên "dĩ hòa vi quý" với nhau thì sẽ cùng có lợi.
Tham khảo từ: Net Ease
Thùy An