Ý tưởng “Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ” vừa đạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II, năm 2023” (INNOBE 2023).
Cuộc thi do Mạng lưới Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh. Nhóm tác giả giải nhất đến từ Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, gồm: Võ Trần Anh Huy, Võ Phương Thùy, Phan Nguyễn Thảo Vy và Nguyễn Thanh Thúy.
Báo Đồng Khởi online dẫn lời Thạc sĩ Mai Hữu Thuần - Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, người hướng dẫn nhóm tác giả đạt giải nhất cho hay: Mục tiêu chính của ý tưởng là sử dụng vỏ sầu riêng chế biến thành sản phẩm thức ăn hữu cơ thân thiện với môi trường và tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Nhóm tác giả cũng xây dựng quy trình tạo ra thức ăn hữu cơ với 4 bước, khá dễ thực hiện cho nông dân và chỉ cần máy ép viên đơn sơ. Nhóm đã nghiên cứu bột vỏ sầu riêng lên men phối trộn với nhiều nguyên liệu có sẵn ở địa phương như: rau muống, cá vụn, bắp vàng, cám dầu dừa ép máy, thân cây chuối... và thu được kết quả khả quan.
Về hiệu quả kinh tế, Thạc sĩ Mai Hữu Thuần cho biết: “Chi phí sản xuất ra 1kg thức ăn chăn nuôi từ bột vỏ sầu riêng lên men khoảng 6.800 - 7.100 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn cho vịt trên thị trường từ 9.500 - 10.500 đồng/kg. Mỗi con vịt nuôi 3 tháng, tiêu tốn từ 3,8 - 4,5kg thức ăn (chưa kể chi phí thuốc thú y, tiền mua vịt giống, chi phí chuồng trại...). Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ giúp người nuôi giảm được từ 8 - 10 ngàn đồng chi phí thức ăn cho mỗi con vịt, người chăn nuôi có thể tăng thêm thu nhập”.
Từ trước tới nay, bên cạnh bức tranh sáng về xuất khẩu, vỏ sầu riêng còn là nỗi “đau đầu” của không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Bởi vỏ của trái sầu riêng chiếm hơn 70% khối lượng toàn trái và là nguồn rác thải rất lớn.
Nếu những ý tưởng và nghiên cứu xử lý vỏ sầu riêng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thành công, được đưa vào sản xuất quy mô lớn sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải và đem lại giá trị kinh tế lớn hơn cho trái sầu riêng.
Trên thực tế, đã có những ý tưởng xử lý phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi được doanh nghiệp triển khai thành công. Điển hình là trường hợp heo ăn chuối của CTCP Hoàng Anh Gia Lai.
Trước đây, trồng chuối quy mô lớn, hàng năm HAGL thải ra 200.000 tấn chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tiếc khi hàng trăm ngàn tấn chuối HAGL phải bỏ đi hàng năm, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) đã "đặt hàng" kỹ sư nông nghiệp Trần Văn Dai để xử lý chuối thải, tạo ra loại thức ăn dinh dưỡng cho heo và từ đó cho ra đời Heo Bapi ăn chuối.
Theo đó, một phần chuối chín được sử dụng để cho heo nái ăn trực tiếp. Phần chuối thải còn lại được HAGL tận dụng làm bột chuối với quy trình bao gồm cạo vỏ, cắt, phơi khô và nghiền thành bột. Bột chuối được dùng để trộn thức ăn cho heo, chiếm khoảng 40%. 60% thành phần khác là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc…
Trọng Nghĩa
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sau-heo-an-chuoi-da-co-y-tuong-bien-vo-sau-rieng-thanh-thuc-an-cho-vit-2056404.htm