Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), CTCP Diamond Properties đã hoàn tất bán hơn 4,7 triệu cổ phiếu NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 21/12/2023 - 29/12/2023 bằng phương thức khớp lệnh qua sàn. Như vậy, Diamond Properties đã hạ sở hữu tại Novaland từ 180,7 triệu đơn vị (9,23% vốn) xuống còn 175,4 triệu đơn vị (8,99% vốn).
Trong khoảng thời gian Diamond Properties thực hiện giao dịch, cổ phiếu NVL giao động quanh mức giá khoảng 16.900 đồng/cp. Như vậy, công ty này có thể thu về khoảng gần 81 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 16/11-15/12, Nova Group - cổ đông lớn nhất của Novaland cũng đã hoàn tất bán 20,27 triệu cổ phiếu NVL. Hiện Nova Group còn nắm giữ 19,6% vốn điều lệ của Novaland. Ngoài ra, từ ngày 28/12/2023 đến ngày 10/1, Nova Group còn muốn bán thêm 2 triệu cổ phiếu NVL để hỗ trợ Novaland cơ cấu nợ.
Cả Nova Group và Diamond Properties là tổ chức có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland. Các cổ đông liên quan đến ông Nhơn vẫn đang mất dần tỷ lệ sở hữu do bị bán giải chấp hoặc chủ động bán cổ phiếu để giúp Novaland cơ cấu nợ dù số lượng đã ít hơn giai đoạn cuối năm 2022. Hiện tại, nhóm cổ đông liên quan đến gia đình Chủ tịch Novaland đang còn nắm giữ khoảng 808 triệu cổ phiếu NVL (tỷ lệ 41,4% vốn).
Vào hồi tháng 6 năm ngoái, trước khi biến cố cổ phiếu NVL giảm sàn 17 phiên liên tiếp xảy ra, nhóm cổ đông này nắm giữ đến gần 1,19 tỷ cổ phiếu NVL (tỷ lệ 60,85% vốn). Như vậy, chỉ sau hơn một năm, khoảng 378,3 triệu cổ phiếu NVL (tỷ lệ 19,15% vốn) đã tuột khỏi tay ông Bùi Thành Nhơn và các cổ đông liên quan.
Với việc cổ phiếu tiếp tục "tuột" khỏi tay các cổ đông lớn, lượng cổ đông nhỏ lẻ của Novaland trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên. Theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản mới công bố, tại ngày 30/11/2023, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã NVL) có đến 78.737 cổ đông nắm giữ 1,95 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết (tỷ lệ 100%) và là một trong những doanh nghiệp có lượng cổ đông lớn nhất sàn chứng khoán.
Trước đó, trong đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hồi tháng 8/2023, Novaland có khoảng 68.000 cổ đông tại thời điểm chốt danh sách ngày 20/7. Như vậy, chỉ trong khoảng 4 tháng, doanh nghiệp bất động sản này đã có thêm hơn 10.700 cổ đông.
Thực tế, số lượng cổ đông của Novaland đã liên tục tăng kể từ sau "biến cố" hồi tháng 11/2022. Thời điểm 9/9/2022 (trước khi cổ phiếu có chuỗi giảm sàn kỷ lục), Novaland mới chỉ có vỏn vẹn chưa đến 14.000 cổ đông. Nhưng gần 4 tháng sau, vào cuối năm 2022, con số trên đã tăng gấp 5 lần lên gần 67.700 cổ đông.
Số lượng cổ đông của Novaland chững lại khoảng nửa năm trước khi tiếp tục tăng mạnh thời gian gần đây. Như vậy, sau khoảng 15 tháng, doanh nghiệp bất động sản này đã có thêm khoảng 65.000 cổ đông.
Về nội dung lấy ý kiến bằng văn bản mới đây, cổ đông Novaland đã thông qua các phương án phát hành cổ phiếu bao gồm phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho người lao động (ESOP) năm 2022 và 2023,… với tổng số lượng 1,37 tỷ cổ phiếu.
Trong đó, Novaland dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phát hành cho cổ đông hiện hữu 1,17 tỷ cổ phiếu (không bị hạn chế chuyển nhượng) theo phương thức thực hiện quyền mua. Ngoài ra, cổ đông Novaland cũng đã thông qua phương án phát hành ESOP năm 2022 và 2023 tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành.
Trọng Hiếu