Ngày 27/6 tới, CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC, sàn HoSE) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 theo hình thức trực tuyến.
Theo tài liệu họp cổ đông mới được công bố, KIDO sẽ trình kế hoạch năm 2023 với doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 76% so với năm 2022.
Nếu hoàn thành kế hoạch này, KDC sẽ ghi nhận mức doanh thu kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, còn lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 năm qua, kể từ 2017. Thực tế năm 2022, KDC thực hiện được 12.535 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 511 tỷ đồng.
Về cổ tức năm 2022, KDC sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh giảm tỷ lệ chia cổ tức đặc biệt năm 2022 xuống còn 10% bằng tiền mặt, thay vì 50% như đã thông qua trước đó, tương ứng tối đa 267 tỷ đồng.
Theo KDC, việc giảm tỷ lệ cổ tức dựa trên tình hình thực tế cũng như các kế hoạch đầu tư mới trong năm nay. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III, IV/2023, sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu ESOP. Sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến là 6% bằng tiền (600 đồng/cổ phiếu).
Ngoài ra, KDC cũng hủy phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 10%. Thay vào đó, KDC dự kiến sử dụng 22,5 triệu cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ dự kiến 100:8,42434, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 8,42434 cổ phiếu quỹ.
Ban lãnh đạo KIDO định hướng năm 2023 sẽ tập trung vào 4 mảng chiến lược là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước chấm. Đây cũng là năm thực hiện tách các công ty thành viên của tập đoàn thành các công ty độc lập để dễ kết nối với các công ty đa quốc gia.
KIDO đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong khi kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm không mấy quả quan. Theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu thuần của KIDO ghi nhận 2.060 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Dù biên độ của giá vốn hàng bán giảm nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 29%, đạt 388 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong quý của KIDO đạt 104 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với quý I/2022; chủ yếu là do công ty trích lập thêm khoản lãi thanh lý đầu tư hơn 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 152 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, KIDO lỗ hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 121 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 319 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của "cựu hoàng" sản xuất bánh kẹo kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân đến từ việc công ty phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được hạch toán tới 156 tỷ đồng. Cùng kỳ 2022, chi phí thuế của KIDO chỉ ở mức 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí thuế này không được KIDO thuyết minh chi tiết trong báo cáo. Chi phí thuế trong riêng quý I/2023 thậm chí cao hơn chi phí thuế hàng năm của KIDO từ năm 2017 đến nay.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản là 13.237 tỷ đồng, giảm 5% so với số cùng kỳ; đa số là tài sản ngắn hạn. Còn về tài sản dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn của công ty ở mức 1.991 tỷ đồng, giảm 49% so với đầu năm do đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi Công ty TNHH Dầu Thực vật Cái Lân (Calofic) với giá chuyển nhượng 2.158 tỷ đồng.
Liên quan đến kế hoạch đầu tư, ngày 2/6 vừa qua, KDC đã hoàn tất giai đoạn 1 mua 25% cổ phần từ công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát và đang trong quá trình thương thảo để đạt đến 51% và lên đến tối đa 70%.
Sau khi hoàn tất sáp nhập, KDC đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của mình, dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến là 200 tỷ đồng năm 2023.
KIDO là tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Năm 2021, Tập đoàn KIDO chính thức quay lại ngành hàng bánh, KIDO’s Bakery là thương hiệu được tập đoàn đầu tư và đẩy mạnh kinh doanh và hướng đến vị trí số 2 trong ngành hàng bánh tại Việt Nam trong vòng 03 đến 05 năm tới.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sau-quy-i-lo-ky-luc-kido-van-tham-vong-thu-lai-cao-nhat-7-nam-2052044.htm