Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM (Thường trực hội đồng định giá đất thành phố) về 22 dự án bất động sản cần thẩm định giá trong quý IV/2024.
Theo đó để đảm bảo dự toán nguồn thu ngân sách năm 2024 từ các khu đất dự kiến thu nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT dự kiến trình Hội đồng Thẩm định giá đất với tổng tiền khoảng 25.483 tỷ đồng.
Trong số đó có khu đất 14,8ha thuộc phường An Phú, TP. Thủ Đức để thanh toán theo Hợp đồng BT đường Song Hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Dự án này của công ty CP Bất động sản Nguyên Phương có số tiền sử dụng đất thu dự kiến là 3.500 tỷ đồng.
Cụ thể, đây là khu đất dùng để thanh toán cho dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2 (gọi tắt là đường song hành cao tốc), cho Công ty CP bất động sản Nguyên Phương.
Đáng nói, dự án đường Song Hành cao tốc dài gần 3,4km. Trong đó đoạn từ nút giao An Phú (đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp) dài gần 2,8km. Đoạn từ Đỗ Xuân Hợp đến Vành đai 2 dài hơn 500m.
Tổng vốn đầu tư gần 870 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình khởi công xây dựng năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên, dự án bị vướng mặt bằng cũng như thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên gần 6 năm khởi công đến nay mới dần hoàn thiện.
Về chủ đầu tư, Công ty CP Bất động sản Nguyên Phương là doanh nghiệp thực hiện dự án được thành lập vào tháng 4/2017. Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 121,1 tỷ đồng do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc nắm 80% và 20% còn lại thuộc về CTCP Bất động sản Tiến Phước.
Đến tháng 2/2018, Bất động sản Nguyên Phương tăng vốn điều lệ lên mức hơn 596 tỷ đồng. Lúc này, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc giảm sở hữu xuống 16,25% trong khi Bất động sản Tiến Phước tăng sở hữu lên 83,74%.
Đến tháng 1/2023, công ty tiếp tục tăng vốn lên 810,3 tỷ đồng với 88,03% cổ phần do Bất động sản Tiến Phước sở hữu, trong khi Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc chỉ còn sở hữu 11,96%.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Bất động sản Nguyên Phương từ khi thành lập đến nay vẫn là ông Nguyễn Thành Lập. Ông Lập cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Bất động sản Tiến Phước.
Bất động sản Tiến Phước chính là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái cùng tên do Chủ tịch Nguyễn Thành Lập sáng lập. Tiền thân của Bất động sản Tiến Phước là Công ty Nông sản Tinh dầu Tiến Phước, được thành lập tháng 10/1992.
Đến năm 2003, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tiến Phước. Tháng 4/2015, chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước. Tại thời điểm này, Bất động sản Tiến Phước có vốn điều lệ 860 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm Chủ tịch Nguyễn Thành Lập nắm 60%, 4 người con gái của ông Lập mỗi người nắm 10% gồm: Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 1979), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1974), Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1975), Nguyễn Thị Mỹ Anh (SN 1988).
Sau nhiều lần tăng vốn, đến thời điểm tháng 10/2017, Bất động sản Tiến Phước tăng vốn điều lệ lên 2.018 tỷ đồng.
Đáng nói, Bất động sản Tiến Phước vừa báo lỗ ròng 164 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi so với cùng kỳ. Trước đó, công ty này chỉ lãi ròng chưa đầy 5 tỷ đồng trong năm 2023 và lỗ ròng 117 tỷ đồng năm 2022.
Tại thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở mức 2.109,6 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả ở mức hơn 7.932 tỷ đồng. Trong kỳ, Bất động sản Tiến Phước không còn ghi nhận dư nợ trái phiếu.
Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Tiến Phước trong nửa đầu năm 2024 cũng kinh doanh thua lỗ 181,6 tỷ đồng (gấp 1,71 lần so với cùng kỳ). Nợ phải trả của công ty này lên hơn 8.500 tỷ đồng, gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu.
Tiến Phước được biết đến là doanh nghiệp bất động sản gạo cội khu vực phía Nam. Hệ sinh thái của Chủ tịch Nguyễn Thành Lập được biết đến là chủ đầu tư loạt dự án như: Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh), Palm Heights 30ha (Quận 2), Senturia An Phú 18,2ha (Quận 2)…
Tiến Phước cùng liên danh với Keppel Land thực hiện loạt dự án tên tuổi như The Estella, Palm City hay Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
Bên cạnh bất động sản, y tế cũng là một trong những lĩnh vực đầu tư đáng chú ý của Tiến Phước thông qua pháp nhân Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ. Cổ đông sáng lập công ty này là bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi (phu nhân của ông Nguyễn Thành Lập) và con gái Nguyễn Thị Mỹ Phương.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ là chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH) tại Phường An Phú, Quận 2 (TP.HCM). Dự án có vốn khoảng 40 triệu USD, đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2018 do bà Nguyễn Thị Mỹ Linh làm Tổng giám đốc.
Hồi tháng 10/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Sài Gòn (BIDV Nam Sài Gòn) thông báo tìm đơn vị thẩm định giá khoản nợ của chủ đầu tư Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Tại thời điểm đó, khoản nợ có trị giá hơn 697 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 610 tỷ đồng, nợ lãi 85 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên gồm biệt thự tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM thuộc sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Thành Lập và bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi. Cùng với đó là một loạt tài sản lên tới 17 quyền sử dụng đất tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP. HCM do Công ty Mỹ Mỹ làm chủ sở hữu. Toàn bộ 17 quyền sử dụng đất này cũng chính là Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH).
Một phần tài sản đảm bảo khác là cổ phần thuộc sở hữu của bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi và con gái Nguyễn Thị Mỹ Phương tại Công ty Mỹ Mỹ.
Trong lĩnh vực năng lượng, Tiến Phước từng xin chủ trương thực hiện dự án Điện mặt trời Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích 51,17 ha, công suất thiết kế 48MWp, vốn đầu tư gần 1.178 tỷ đồng.
Hà Ly
Hà Thị Lưu Luyến