Tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2025 do Viettel IDC, ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Quốc gia Google Cloud tại Việt Nam – đã khiến nhiều người bất ngờ khi khẳng định rằng AI ngày nay không còn đơn thuần là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, mà đã trở thành một phần trong đội ngũ nhân sự, thậm chí là “nhân viên đòi nợ” hiệu quả nhất. Phát biểu của ông không chỉ phác hoạ bức tranh về công nghệ hiện tại mà còn như một lời cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn nghĩ rằng AI là câu chuyện của tương lai.
Ông Toàn dẫn chứng bằng thực tế cho thấy, nhiều công việc từng gắn liền với con người như tuyển dụng, lọc hồ sơ ứng viên, lên lịch phỏng vấn… giờ đây hoàn toàn có thể được thực hiện trơn tru bởi AI.
Với khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ và học hỏi không ngừng, AI có thể “đọc” hàng ngàn hồ sơ chỉ trong vài phút, lọc ra những ứng viên phù hợp nhất dựa trên tiêu chí sẵn có, thậm chí còn có thể nhận diện giọng nói và đánh giá mức độ phù hợp văn hóa doanh nghiệp ngay từ vòng sơ loại.
Sếp của Google Cloud Việt Nam mô tả về cách AI được ứng dụng trong các doanh nghiệp nước ngoài, nơi mà nó không chỉ tuyển người mà còn biết lên lịch gửi mail mời phỏng vấn, sắp xếp thời gian và theo dõi phản hồi của ứng viên – tất cả đều không cần đến con người can thiệp.
“AI giờ không còn chỉ là công cụ hỗ trợ mà là người ra quyết định”, ông nói và nhấn mạnh rằng AI đã thực sự trở thành một phần trong cấu trúc nhân sự của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở vai trò tuyển dụng, AI đang dần xâm nhập vào những công việc vốn mang tính “con người” nhất – chẳng hạn như xử lý các tình huống khách hàng nhạy cảm, hay thậm chí là… đòi nợ.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, nhiều tổ chức tài chính đang triển khai các hệ thống AI có thể dự đoán cảm xúc của khách hàng để từ đó xử lý các tình huống căng thẳng, giữ mối quan hệ mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
“AI không mệt, không cảm xúc, không ngại ngùng khi nhắc nợ. Nó biết nên gọi lúc nào, nói gì để khách hàng không cảm thấy khó chịu mà vẫn hiểu rằng họ cần trả nợ đúng hạn”, ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Quốc gia Google Cloud tại Việt Nam chia sẻ tại DCCI Summit 2025.
Từ đây, câu hỏi đặt ra là, nếu AI mạnh mẽ như vậy, tại sao không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai thành công?
Ông Toàn lý giải rằng vấn đề không nằm ở công nghệ, mà nằm ở quy trình. Nhiều doanh nghiệp khi áp dụng AI lại rơi vào tình trạng “cắm chạy” – nghĩa là mang công nghệ về nhưng không có quy trình chuẩn để tích hợp.
“Nếu không có quy trình, AI chỉ là trò chơi công nghệ. Nó cần hiểu rõ quy trình của doanh nghiệp thì mới có thể hỗ trợ hiệu quả”, ông nói.
Một AI tốt không chỉ cần dữ liệu, mà còn phải được trao quyền trong một hệ thống phân quyền rõ ràng – điều mà nhiều doanh nghiệp chưa làm được. AI trong môi trường doanh nghiệp không thể giống AI phục vụ cá nhân, vì nó cần đảm bảo an toàn dữ liệu, quyền truy cập, và khả năng vận hành đồng bộ với hệ thống sẵn có. Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Quốc gia Google Cloud tại Việt Nam, AI chỉ thực sự thông minh nếu được “dạy” đúng – nghĩa là được huấn luyện trên chính dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp, gắn liền với ngữ cảnh hoạt động thực tế.
Vị chuyên gia cũng một lần nữa nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa không còn là điều xa vời – nó đang ở ngay đây, hiện diện trong từng khâu vận hành, từ tuyển dụng đến chăm sóc khách hàng, từ phân tích dữ liệu đến tối ưu vận hành. Và doanh nghiệp nào chậm trễ trong việc bắt kịp làn sóng này thì có thể sẽ bị chính thị trường tự động hóa “bỏ lại phía sau”.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đối với ngành Điện toán đám mây, Gen AI là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng trở lại sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Sau đại dịch Covid 19 trên quy mô toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây giảm dần tới mốc thấp nhất trong 10 năm qua với con số 18.6% vào năm 2023. Song, khi GenAI ra đời và phát triển vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường này đã được kéo tăng trở lại và kỳ vọng có thể trở về quỹ đạo tăng trưởng cũ.
Sự bùng nổ của AI đã và đang đặt ra thách thức rất lớn về mật độ công suất trên rack tăng chóng mặt, điều này buộc các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng chuyển đổi chiến lược đầu tư và xây dựng các trung tâm dữ liệu công suất cao, đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.
Nhưng AI cũng chính là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng về dung lượng của Trung tâm dữ liệu. Theo dự báo của McKinsey, khoảng 70% hoạt động của trung tâm dữ liệu sẽ dành cho các ứng dụng AI tiên tiến vào năm 2030, bao gồm các ứng dụng trực tiếp và gián tiếp từ AI.
Kỳ Thư
Đàm Thị Thuý Vân
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sep-cua-google-cloud-viet-nam-ai-da-tro-thanh-hr-va-biet-ca-di-doi-no-205250423104126475.htm