Palo Alto Networks là một trong những tập đoàn về an ninh mạng lớn nhất thế giới với 20.000 nhân viên đang hoạt động trên toàn cầu. 9/10 DN trong danh sách Fortune 500 là khách hàng của công ty có trụ sở ở Mỹ này. Họ cũng là tập đoàn về an ninh mạng có vốn hóa trên 100 tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Quang Huy - Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam, thì sản phẩm của công ty ông đã phân phối ở thị trường Việt Nam từ năm 2011 thông qua các đối tác khác nhau. Đến năm 2019, Palo Alto Networks chính thức mở văn phòng ở Việt Nam, vì muốn phát triển thị trường này.
"Việt Nam còn đang ở vùng biên nếu so với thế giới. Thị trường an ninh mạng của chúng ta chưa được khai phá, chưa chín chắn vì nhiề lãnh đạo DN chưa nhận thức rõ về mức độ quan trọng của vấn đề bảo mật. Các lãnh đạo DN ở Nhật Bản hay Hàn Quốc có ý thức rất cao về câu chuyện bảo mật và nhận thức được trách nhiệm lớn của bản thân ở khía cạnh này", ông Hoàng Quang Huy cho hay.
Trong khoảng vài năm gần đây, việc các DN lớn tại Việt Nam liên tục bị hacker tấn công đã khiến các lãnh đạo DN lớn nhỏ ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề bảo mật hệ thống hơn. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo của khu vực công cũng tìm tới Palo Alto Networks Việt Nam nhằm tìm hiểu và mua các sản phẩm bảo mật.
Vậy nên, theo ông Hoàng Quang Huy, thì hiện tại họ không gặp bất cứ thách thức gì khi bán hàng ở thị trường Việt Nam, cả ở khía cạnh nhận thức của DN, tài chính hay tương thích hệ thống. Tuy nhiên, thị trường an ninh mạng Việt Nam còn cần nhiều thời gian mới có thể bắt kịp được Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Cũng theo kinh nghiệm của các lãnh đạo Palo Alto Networks Việt Nam, thì các DN Việt Nam ngày càng mỏng manh trước sự tấn công của các tin tặc – hacker 'mũ đen' – đặc biệt là hình thức tấn công bằng mã độc (ransomware) thông qua công nghệ AI.
AI đang được xem là công nghệ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Để chạm mức 1 tỷ người dùng, internet cần 23 năm, mobile – điện thoại di động mất 16 năm còn theo dự đoán thì AI chỉ cần 7 năm. Hiện tại, AI đã có 250 triệu người dùng.
Ông Hoàng Quang Huy nhận định: AI đã thay đổi cách thế giới vận hành, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Những kẻ xấu cũng đang lợi dụng AI để tăng tốc, mở rộng quy mô và không ngừng đổi mới các cuộc tấn công, khiến các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nguy cơ về an ninh mạng hơn bao giờ hết.
"Trước kia, các hacker mất 6 ngày để có thể tìm ra lỗ hổng bảo mật và tấn công vào hệ thống nhưng nay nhờ công nghệ AI, tin tặc có thể chỉ mất 1 ngày để xâm nhập hệ thống và vài giờ để mã hóa dữ liệu.
Một khi DN lâm vào hoàn cảnh này, thì dù đã copy dữ liệu và lưu trữ ở chỗ khác, thì để hồi phục dữ liệu – giúp hệ thống hoạt động bình thường cũng sẽ mất rất nhiều thời gian – nỗ lực. Chưa nói là hacker còn có thể mang dữ liệu DN tung lên internet hoặc bán cho các bên có nhu cầu.
Có thể, các hacker đã tấn công vào các lỗ hổng bảo mật của các DN lớn tại Việt Nam trong nhiều năm, nhưng sở dĩ năm 2023 hay 2024 họ mới ra mặt đòi tiền chuộc là bởi cảm thấy những dữ liệu mà DN đang sở hữu có giá trị đủ lớn. Theo quan sát của chúng tôi, không ít DN Việt đã bị hacker tấn công mà không biết!
Trong năm 2024, các DN Việt Nam và ASEAN sẽ thiệt hại khoảng 4,2 triệu USD cho 1 lần bị hacker tấn công thành công và thế giới là 4,8 triệu USD. Các DN Việt Nam thường bị hacker tấn công bằng mã độc rồi sau đó bị tống tiền hoặc đòi tiền chuộc dữ liệu", ông Đoàn Quang Hòa – Giám đốc Công nghệ, Palo Alto Networks Việt Nam nêu cụ thể
Theo thống kê của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tính từ năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố. Trong đó, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2024, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 cuộc.
Còn theo chia sẻ của Trung tá Lê Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia, Cục A05 (Bộ Công an) vào tháng 4/2024: tần suất tấn công của các hacker vào DN Việt ngày càng dồn dập, gây thiệt hại cho tổ chức - doanh nghiệp ngày càng lớn.
Cụ thể, tháng 11/2023, một đơn vị trong lĩnh vực năng lượng đã bị tấn công và mã hóa toàn bộ khoảng 1.000 máy chủ. Tháng 12/2023, một đơn vị trong ngành tài chính ngân hàng bị tin tặc nằm vùng rất lâu và thông thạo quy trình, gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Nếu cách đây 2-3 năm, tin tặc tấn công đòi tiền chuộc với số tiền 40-50 tỷ đồng là rất lớn, thì gần đây, có những vụ đã lên tới 200 tỷ đồng.
Còn nghiên cứu gần đây từ Palo Alto Networks cho thấy: ngành sản xuất là lĩnh vực bị tấn công ransomware nhiều nhất tại ASEAN, chủ yếu do khả năng hiển thị hệ thống hạn chế và giám sát mạng lưới không đầy đủ. Tại Việt Nam, ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng trong thành công của nền kinh tế, đóng góp tới hơn 20% GDP và do đó, tấn công mạng sẽ đe dọa nghiêm trọng tính ổn định của nền kinh tế quốc gia.
Là một Tập đoàn về an ninh mạng hàng đầu thế giới, tất nhiên Palo Alto Networks không thể đứng ngoài cuộc chơi AI, thông qua giải pháp bảo mật Precision AI.
Precision AI tích hợp học máy (ML) và học sâu (DL) với trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) cho các ứng dụng thời gian thực, giúp tăng cường bảo vệ trước các chiến thuật đe dọa được hỗ trợ bởi AI. Precision AI được tích hợp trên các nền tảng Strata™, Prisma® và Cortex® của Palo Alto Networks để cung cấp các năng lực tăng cường cho các tổ chức.
"Precision AI có thể tuần tra – phát hiện kịp thời các tấn công mạng vào toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp theo thời gian thực, đồng thời nó có thể đưa ra các giải phát xử lý tức thời cho DN hay tự động vá các lỗ hổng. Tuy nhiên, thường thì các DN Việt Nam không thích tự động hoàn toàn, mà họ muốn có một 'nút bấm' để có thể chủ động quyết định các giải pháp cuối cùng", ông Đoàn Quang Hòa chia sẻ.
Doanh nghiệp muốn chống lại các cuộc tấn công bằng AI thì phải bằng phòng thủ AI. Thứ nhất, các DN cần đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng sử dụng AI; thứ hai, hợp tác và chia sẻ thông tin đe dọa nếu có; thứ ba, xây dựng văn hóa nhận thức về an ninh mạng cho toàn thể công nhân viên; cuối cùng, cập nhật các công nghệ AI tiên tiến.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn