Gần một thập kỷ trước, Volkswagen đặt ra một nhiệm vụ tốn kém: Tìm cách thống trị thế giới mới của những chiếc ô tô điều khiển bằng phần mềm và chế tạo ra được 1 chiếc xe điện "cho mọi người". Hiện tại, Volkswagen vẫn đang loay hoay với kế hoạch này.
Nhà sản xuất ô tô Đức đã đầu tư hàng tỷ euro, trang bị lại toàn bộ nhà máy và thành lập các công ty phần mềm và pin mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, VW vẫn chưa sản xuất được mẫu xe điện nào sánh được với thành công của các mẫu xe chạy xăng trong lịch sử như Beetle hay Golf tại các thị trường cốt lõi của hãng.
Doanh số bán chiếc xe điện hàng đầu của hãng là các dòng ID đều gây thất vọng. Vì vậy, VW đã quyết định loại bỏ chiếc Golf 50 tuổi này và đang phát triển một phiên bản chạy hoàn toàn bằng điện mà công ty cho biết có thể ra mắt vào cuối thập kỷ này.
Xây dựng và bán ô tô điện cho "mọi người" vẫn là sứ mệnh cốt lõi của Volkswagen, làm sao để tạo ra được một "chiếc xe của mọi người". Trong nỗ lực thu hút khách hàng của VW, công ty đang trong quá trình tái cơ cấu lớn để có thể sản xuất những chiếc xe điện có lợi nhuận và được khách hàng chào đón.
Oliver Blume, người giữ vai trò kép là giám đốc điều hành của Porsche và CEO của VW – công ty sở hữu các thương hiệu gồm VW, Porsche, Audi, Bentley và Lamborghini cho biết: "VW cũng muốn khiến những người rất trẻ hào hứng với thương hiệu".
Các nhà sản xuất ô tô khác, chẳng hạn như General Motors và Ford Motor, cũng đã giảm bớt tham vọng về xe điện, đồng thời cắt giảm kế hoạch sản xuất.
Trong trường hợp của VW, Blume đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 10 tỷ euro chi phí, tương đương khoảng 11 tỷ USD, tạm dừng kế hoạch xây dựng một nhà máy xe điện siêu hiện đại mới ở Wolfsburg và hoãn kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy pin ở châu Âu.
Việc cắt giảm nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất xe, điều này sẽ giúp tăng thu nhập và giúp VW linh hoạt hơn trong việc giảm giá cho những người mua xe điện cấp thấp. Đầu năm nay công ty đã tiết lộ mẫu ID. 2all, một chiếc hatchback cỡ nhỏ mà công ty cho biết sẽ bán với giá dưới 25.000 euro và là một trong 10 mẫu xe điện mới mà VW dự kiến ra mắt vào năm 2026.
"Khi còn trẻ, tôi bị say mê các dòng xe như Beetle và Polo. Và có rất nhiều khách hàng có những trải nghiệm tích cực như vậy và phát triển mối liên hệ chặt chẽ với thương hiệu Volkswagen", Blume nói.
Blume cho biết công ty đang nỗ lực phát triển một loại xe điện giá cả phải chăng hơn có thể bán với giá 20.000 euro trong nửa cuối thập kỷ này, một động thái nhằm chống lại các đối thủ Trung Quốc và các đối thủ khác đang thâm nhập thị trường châu Âu bằng xe điện giá rẻ.
Các giám đốc điều hành của VW đã cảnh báo nhân viên về một năm khó khăn phía trước.
"Tình hình rất nghiêm trọng", Thomas Schäfer, Giám đốc điều hành của thương hiệu cùng tên của VW, nói với các đại diện lao động tại một cuộc họp ở Wolfsburg vào cuối tháng 11. "Với nhiều cơ cấu, quy trình hiện tại và chi phí cao, chúng ta không còn khả năng cạnh tranh nữa".
VW cho biết vào ngày 19/12 rằng họ đã đạt được thỏa thuận với đại diện công đoàn để cắt giảm 20% chi phí lao động.
Tác động của các biện pháp này có thể mang lại "đóng góp tích cực cho lợi nhuận tổng cộng 10 tỷ euro", VW cho biết trong một tuyên bố, với mục tiêu tăng gấp đôi tỷ suất lợi nhuận của thương hiệu VW lên 6,5% vào năm 2026.
Ngoài việc cắt giảm lực lượng lao động, VW cũng đã loại bỏ kế hoạch xây dựng các tòa nhà mới và kế hoạch đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, bằng cách cung cấp ít tùy chọn tính năng hơn và giảm thời gian phát triển mẫu xe mới xuống còn 36 tháng từ 50 tháng như hiện nay.
VW vẫn là gã khổng lồ về động cơ đốt trong: Công ty cho biết họ đã bán được 8,3 triệu xe trên toàn thế giới trong 11 tháng đầu năm, tăng khoảng 12% so với một năm trước.
VW cũng đã có những bước tiến khi chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi ô tô thông thường. Theo dữ liệu từ ev-volumes.com, với tất cả các thương hiệu và mẫu mã cộng lại, công ty chiếm 20% thị phần doanh số bán xe điện mới ở châu Âu trong năm nay, vượt Stellantis và Tesla - một lợi thế mà VW hy vọng nó có thể sớm mở rộng sang các khu vực còn lại của thế giới.
Theo báo cáo về doanh số bán hàng tính đến tháng 10 của nhà phân tích số lượng xe điện José Pontes, xe điện từ thương hiệu VW của công ty đang mất thị phần ở châu Âu. Ông cho biết thương hiệu VW hiện chiếm khoảng 8,2% thị trường, xếp sau BMW và Tesla một chút, với 12% thị phần.
Tesla có những mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện bán chạy nhất ở châu Âu nhưng sau khởi đầu khó khăn, những dòng xe VW. 3 và ID. 4, Audi Q4 e-tron và Enyaq iV của Skoda cũng đang dần thu hút được sự chú ý. Trong nỗ lực đưa những mẫu xe này ra thị trường, VW đã phải đối mặt với chi phí cao, năng suất thấp, sự chậm trễ trong việc ra mắt do phần mềm không đạt tiêu chuẩn và nền kinh tế toàn cầu bất ổn.
Blume đang đại tu đơn vị phần mềm Cariad, đơn vị đã phải vật lộn để cung cấp phần mềm đúng thời hạn nhằm đáp ứng thời hạn ra mắt sản phẩm khiến Audi và Porsche phải trì hoãn việc ra mắt mẫu xe.
Đầu năm nay, Blume đã cải tổ lại bộ máy quản lý đơn vị và đưa ra chương trình tái cơ cấu để đẩy nhanh quá trình phát triển phần mềm. Đơn vị này sẽ tập trung phát triển vào việc ra mắt các phương tiện trong thời gian ngắn và chuyển các dự án phần mềm phức tạp và có tầm nhìn xa hơn — chẳng hạn như phần mềm xe tự lái — sang một bên.
Tại Trung Quốc, một thế hệ mẫu xe điện công nghệ cao, giá rẻ nội địa mới đã vượt xe điện của VW tại nước này, chiếm khoảng 34% doanh số bán hàng trong 11 tháng đầu năm. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, doanh số bán hàng của VW hầu như không tăng trưởng ở Trung Quốc, mức tăng trưởng yếu nhất tại các thị trường lớn trên toàn thế giới. Sự cạnh tranh mới của Trung Quốc cũng đang nhắm vào Đức và châu Âu.
Mặc dù VW sản xuất xe ở Trung Quốc nhưng xe điện của hãng này có xu hướng đắt hơn so với đối thủ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết VW đã thất bại trong việc cung cấp những chiếc xe điện tầm trung đang có nhu cầu cao ở Trung Quốc và hiểu sai sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc vốn coi trọng các tiện ích công nghệ cao trên ô tô của họ.
Để lấy lại thị phần đã mất, VW đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp XPeng của Trung Quốc để mua lại công nghệ cho những mẫu xe mới sẽ ra mắt thị trường trong vài năm tới. VW cũng đang xây dựng các cơ sở R&D khổng lồ với sự tham gia của các kỹ sư phần mềm Trung Quốc tại nước này.
Blume nói: "Một công ty ô tô không thể xoay chuyển tình thế trong một năm, nhưng với các biện pháp trung và dài hạn, chúng tôi đang đi đúng hướng".
Theo: WSJ
Phương Linh