Theo báo cáo tháng 2 mới công bố, SGI Capital tiếp tục duy trì quan điểm xu hướng phân bổ xuyên suốt năm 2024 trên thế giới là "Không giữ tiền mặt". Thị trường tài chính thế giới ghi nhận một dòng tiền mạnh mẽ lan toả rộng trên mọi kênh tài sản, từ trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và các loại hàng hoá như vàng, dầu. TTCK Mỹ tăng lên vùng định giá cao hơn chủ yếu nhờ lạc quan vào tăng trưởng EPS của doanh nghiệp trong khi lãi suất có xu hướng hạ.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy sự lạc quan, dòng tiền, và định giá đã đến vùng cao trong khi lãi suất vẫn chưa hạ tạo nên rủi ro điều chỉnh trong thời gian tới. Với lịch sử đồng pha tương đối chặt chẽ, mức độ giảm trên 5% của S&P500 nếu xảy ra sẽ là tín hiệu cảnh báo rủi ro cho TTCK Việt Nam.
SGI Capital cũng lưu ý đến một điểm nhấn gần đây là TTCK Nhật đã vượt đỉnh lịch sử 34 năm trước dù tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết không có nhiều đột phá. Trong khi đó, TTCK Trung Quốc cũng đang hồi phục mạnh sau các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng TW. Đồng pha cùng xuất nhập khẩu Trung Quốc, Hàn Quốc cùng có chuỗi ba tháng tăng trưởng xuất khẩu, tác động tích cực tới xu hướng phục hồi thương mại quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo đánh giá các TTCK lớn trên toàn cầu đang đi theo kịch bản kinh tế Mỹ và thế giới hạ cánh mềm tránh được suy thoái đồng thời lạm phát hạ xuống đủ để FED và các NHTW bước vào chu kỳ hạ lãi suất từ giữa năm nay. Kịch bản này về tổng thể có lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. TTCK Việt Nam cũng có thể hưởng lợi khi dòng tiền đầu tư toàn cầu bớt lo ngại suy thoái và tìm tới các cơ hội rủi ro hơn ở các thị trường mới nổi và cận biên.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lạc quan trong trung và dài hạn nhưng rủi ro ngắn hạn đang cận kề
Về tình hình trong nước, tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá không chính thức tiếp tục nóng lên và đã vượt qua mốc đỉnh từng thiết lập năm 2022. Tuy nhiên tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá VND/USD chỉ mất giá ở mức độ bình thường, ít hơn mức tăng USD Index và mức độ mất giá của nhiều đồng tiền khác.
Theo SGI Capital, trong trường hợp tỷ giá trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng sát mức giá bán USD của NHNN có thể sẽ xuất hiện lo ngại về thanh khoản và lãi suất khi NHNN tiến hành các biện pháp can thiệp. Tỷ giá sẽ là tiêu điểm cần quan sát kỹ trong giai đoạn này.
Về mặt định giá, P/E của VN-Index đã tăng đến gần vùng trung bình dài hạn. SGI Capital đánh giá giai đoạn thị trường được định giá rẻ do bi quan về triển vọng tăng trưởng đã kết thúc. Nhà đầu tư đang kỳ vọng nền kinh tế bước vào chu kỳ hồi phục và tăng trưởng trở lại. So sánh với mức lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi gửi tiết kiệm hiện đã quay về nền thấp, mức định giá của thị trường chung vẫn hấp dẫn. Mức lãi suất thấp này nếu được duy trì ổn định sẽ là nền móng vững chắc đưa nền kinh tế vào chu kỳ phục hồi và TTCK tiếp tục xu hướng tăng.
Việc giảm và giữ được mặt bằng lãi suất thấp cùng các biện pháp hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ trong năm qua đang giúp kích hoạt dòng tiền vào các kênh tài sản như chứng khoán, bất động sản, và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Quá trình này sẽ tiếp diễn khi nền kinh tế thế giới duy trì ổn định.
"Các doanh nghiệp có sức mạnh tài chính và đã cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội mở rộng tăng trưởng. Giai đoạn lãi suất thấp cũng là cơ hội để doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao tái cấu trúc và dần phục hồi, từ đó tạo nên đa dạng các cơ hội đầu tư trong năm nay" – SGI Capital nhận định.
Báo cáo duy trì quan điểm lạc quan trong trung và dài hạn với nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2024, nhưng sẽ lưu í một số dấu hiệu rủi ro sắp tới khi mức độ lạc quan chung đang tăng và kỳ vọng dần phản ánh vào giá ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Những điểm cần lưu ý là lượng phát hành mới bắt đầu tăng cùng với lượng đăng ký bán của cổ đông nội bộ tăng lên gần đây. Đặc biệt, TTCK thế giới nếu bước vào nhịp điều chỉnh cùng với áp lực manh nha từ tỷ giá có thể ảnh hưởng tới dòng tiền của nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo nên biến động lớn hơn với TTCK Việt Nam thời gian tới.
Phương Linh