Chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp hình thành cộng đồng startup chất lượng khu vực miền Trung, Shark Lê Hùng Anh - Chủ tịch BIN Corporation Group – nhìn nhận con người miền Trung có tinh thần cầu tiến và học hỏi vô cùng mãnh liệt.
Là người con sinh ra và lớn lên tại miền Trung (Tam Kỳ - Quảng Nam), Shark Hùng Anh chỉ ra một điểm mạnh mà ông cho là "vô cùng lớn" của những nhà khởi nghiệp miền Trung.
"Chúng ta đi từ điểm gần như không có gì, nên cũng không có gì để mất, cho nên rất 'máu' và lì. Đó là điểm mạnh mà các bạn làm startup có tiền một xíu như TPHCM hay Hà Nội không có", Shark Hùng Anh nêu.
"Ngay bản thân tôi khi chiến đấu với bất kỳ ai cũng nghĩ: Nếu thua keo này, cùng lắm chỉ về đúng điểm đó mà thôi. Đó là điểm mạnh vô cùng lớn của người miền Trung".
Làm việc cùng hơn 4.000 startup, bà Lê Hạnh – Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam - chia sẻ thêm 3 đặc tính của startup miền Trung: Chịu thương chịu khó, Hoài bão và khát vọng, Quyết liệt.
"Một điều nữa là các bạn rất hiểu và yêu quê hương, cho nên mô hình của các bạn thường xuất phát từ tài nguyên bản địa. Điều ấy làm nên bản sắc của các startup miền Trung. Tuy nhiên, cần phải có ứng dụng đổi mới sáng tạo", bà Hạnh góp ý.
Nhìn nhận điểm khó của startup miền Trung, Shark Hùng Anh cho rằng điểm khó nhất là thị trường. Vị cá mập thường khuyên các bạn khởi nghiệp miền Trung cần phải vào thị trường lớn làm trước.
"Làm thị trường nhỏ không thấm vào đâu, không kiểm tra được quy mô thị trường. Cho nên làm gì thì làm, sản phẩm thấy ổn thì mạnh dạn đưa vào thị trường lớn để khai phá nội lực bản thân", Shark Hùng Anh nói.
"Văn hóa tiêu dùng của người miền Trung rất khó chấp nhận sản phẩm mới, trong khi bản chất của startup là cung cấp ra thị trường sản phẩm mới, giá trị mới", ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Songhan Incubator, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia – bổ sung.
Đi với startup miền Trung từ con số 0, ông Quân cho biết điểm khó tiếp theo của khởi nghiệp miền Trung trước đây là hệ sinh thái chưa hình thành, cho nên khó có startup lớn.
"Những startup nào khôn ngoan, mà có khát vọng lớn, sẽ bay vô Sài Gòn. Dat Bike là một ví dụ. Chừng 6 – 7 năm trước, startup này gặp tôi, sau đó quyết định vào Bình Dương. Một Founder đi với tôi nhiều năm, thất bại với nhiều startup miền Trung, vào Sài Gòn lại thành công".
"Quá trình startup là quá trình của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, mà thị trường không đảm bảo thì chất lượng startup không đủ cạnh tranh", ông Quân nói.
Ông khuyến nghị địa phương nên là thị trường kiểm chứng cho startup, tạo điều kiện hết mức cho các startup thử nghiệm các sản phẩm mới, và phải cần tạo văn hóa chấp nhận, văn hóa yêu thương, khuyến khích cho đổi mới sáng tạo. Khi thị trường địa phương đã chấp nhận, việc đi vào các thị trường lớn như TPHCM hay Hà Nội cũng dễ dàng hơn.
Một hướng đi cho các startup miền Trung là ứng dụng công nghệ khi phát triển các sản vật địa phương, bà Lê Hạnh gợi ý. Bà Hạnh kể trong vòng thẩm định Shark Tank Việt Nam năm trước, có một Founder làm mì Quảng – món ăn bà yêu thích. Tuy nhiên, việc mở một chuỗi nhà hàng thì hàm lượng đổi mới sáng tạo rất thấp, khó cạnh tranh.
"Sao bạn không làm mì Quảng cấp đông? Lúc ấy thì thị trường của bạn không ở Đà Nẵng hay Việt Nam nữa. Thị trường của các bạn là quốc tế".
"Vua Cua cũng đã làm thành công món bánh canh cua xuất sang thị trường Mĩ. Tôi nghĩ điểm startup ở khu vực miền Trung cần cải thiện là những mh có thể thương mại hóa, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Đấy là điều chúng tôi rất mong mỏi ở startup miền Trung", "bà trùm" đứng sau show Shark Tank Việt Nam nhắn nhủ.
Bình An