Sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt nhất cả nước, đâu sẽ là động lực đột phá mới của ngành logistic Vùng Đồng bằng sông Hồng?

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt nhất cả nước, đâu sẽ là động lực đột phá mới của ngành logistic Vùng Đồng bằng sông Hồng?- Ảnh 1.

Mới đây, VCCI và UBND TP Hải Phòng, Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

"Logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành logistics cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế", ông Hiển cho hay.

Đặc biệt, tại Quyết định 749/QĐ- TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã xác định logictics là một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022 (năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 30).

Ông Hiển cho hay, so với các vùng kinh tế trên cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của Việt Nam và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

"So với các vùng kinh tế khác trong cả nước, Vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải (cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt) với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu.

Cụ thể, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Đồng thời đề ra yêu cầu phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định tầm nhìn đến năm 2050: Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

photo-1716955126323

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

 Động lực đột phá mới cho ngành logistic Vùng Đồng bằng sông Hồng

Bên cạnh những lợi thế, theo ông Hiển, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.

Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Ông Hiển cho hay, mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Tại Vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics cũng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Quỹ đất để xây dựng kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. 

Hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần xem xét một số động lực đột phá mới bên cạnh chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn.

Đầu tiên là khu thương mại tự do. Ông Hải cho biết, đây không phải là khái niệm mới trên thế giới. Thực tế, Việt Nam cũng đã có một số loại hình khu kinh tế tương tự như khu thương mại tự do như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng. Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu thương mại tự do. Mới đây, thành phố Đà Nẵng đang kiến nghị có cơ chế trong Nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có thể được làm. Phải chăng, đây là cách làm để một số địa phương trong vùng có thể nghiên cứu, sớm đưa khu thương mại tự do vào hoạt động.

Bên cạnh cơ chế, để khu thương mại tự do có thể được đưa hoạt động, cần có quy hoạch và tìm được nhà đầu tư có năng lực.

Thứ hai là về chuyển đổi số. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, chia sẻ dữ liệu chính là cách phát huy tốt nhất lợi ích của chuyển đổi số. Đây là nội dung được đề cập nhiều trong thời gian qua với các vấn đề liên quan đến công nghệ, sự chuẩn bị về tài chính, nhân lực…

"Thời gian qua, hoạt động Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến tạo sự kết nối giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự thúc đẩy để lan rộng phạm vi các hoạt động đó đang chững lại. Bên cạnh đó, cần phát triển các giải pháp, ứng dụng như ứng dụng cảng thông minh; đào tạo nhân lực", ông Hải cho hay. 

Thứ ba là về chuyển đổi xanh. Bên cạnh ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trở thành vấn đề nóng. Chính phủ đã có quy định cụ thể về kiểm kê khí nhà kính, sắp tới, ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở năng lượng thì các cơ sở hạ tầng về logistics, trước hết là các trung tâm logistics có thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Ông Nguyễn Thanh Hải cũng đề xuất một số nội dung khác tạo động lực cho sự phát triển logistic như xây dựng Kế hoạch phát triển logistics của địa phương phù hợp với chiến lược quốc gia; chăm sóc hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong Vùng; xây dựng khu/trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh và tự động…

Hoàng Nguyễn

Hoàng Nguyễn

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/so-huu-he-thong-ha-tang-giao-thong-ket-noi-tot-nhat-ca-nuoc-dau-se-la-dong-luc-dot-pha-moi-cua-nganh-logistic-vung-dong-bang-song-hong-20515289.htm