Chiều 17/10, TAND TPHCM tuyên phạt 34 bị cáo trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Cũng bị truy tố về 3 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", các bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) lĩnh án 23 năm tù, Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) lĩnh án 16 năm tù, Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty Acumen) bị tuyên án 15 năm tù.
Với các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 17 năm tù.
Cùng 2 tội danh trên, bị cáo Nguyễn Hữu Hiệu (Phó tổng giám đốc Công ty Windsor và Công ty An Đông) bị tuyên phạt 12 năm tù; Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt Nam) bị áp dụng 9 năm tù; Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 10 năm tù.
HĐXX xử phạt bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 14 năm tù về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Toà cũng tuyên án đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) 2 năm tù về tội "Rửa tiền"; bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) bị tuyên 5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng tội danh với Trương Huệ Vân, bị cáo Phạm Hoa Đăng (cựu kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C) bị tuyên 2 năm tù - mức án nhẹ nhất trong nhóm bị cáo phạm tội này. Các bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 10 năm tù về những tội tương ứng.
Về xử lý vật chứng, tài sản thu giữ trong vụ án, HĐXX tuyên tiếp tục tạm giữ các khoản tiền tự nguyện khắc phục hậu quả của các bị cáo, các cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường.
Tiếp tục duy trì lệnh kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các bất động sản, tài khoản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan và của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần CTCP dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy.
HĐXX cũng xem xét và hủy bỏ lệnh kê biên đối với tòa nhà Capital Place (số 29 Liễu Giai, Hà Nội) và giao cho 3 ngân hàng để xử lý thu hồi nợ theo quy định dưới sự giám sát của Viện Kiểm nhân dân Tối cao, Bộ Công an và cơ quan Thi hành án.
Về "siêu dự án" Amigo với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) mà bà Lan mong muốn đem bán, lấy tiền khắc phục hậu quả, HĐXX cho rằng tài liệu các bên cung cấp còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ nên chuyển cho cơ quan điều tra.
Hàng chục bất động sản khác tại Đồng Nai, TP.HCM do chưa đủ cơ sở xác định tài sản trên là của Trương Mỹ Lan nên toà đề nghị cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra làm rõ.
Đối với yêu cầu của bị cáo về việc giải tỏa kê biên các sổ tiết kiệm đứng tên hai con gái, để các con có tiền chi tiêu, HĐXX nhận thấy, số tiền này là tiền bị cáo phạm tội mà có nên tiếp tục kê biên để bảo đảm thi hành án.
PV
Hà Thị Lưu Luyến
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/so-phan-loat-du-an-bat-dong-san-co-phan-trong-giai-doan-2-vu-an-van-thinh-phat-205241018101818074.htm