SoftBank đã có cuộc đàm phán với Intel nhằm sản xuất chip trí tuệ nhân tạo cạnh tranh với Nvidia. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại sau khi nhà sản xuất chip của Mỹ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của tập đoàn Nhật Bản.
Các cuộc đàm phán hợp tác với Intel được cho là sẽ thúc đẩy nỗ lực của SoftBank trong việc kết hợp các thiết kế chip của viên ngọc quý Arm với chuyên môn sản xuất của thương vụ mua lại mới nhất, Graphcore. Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD nhằm đưa tập đoàn mình tiến sâu vào trung tâm của sự bùng nổ AI. Kế hoạch đầy tham vọng bao gồm sản xuất chip, phần mềm và cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu sẽ chứa bộ xử lý của công ty.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Intel đã thất bại trong những tháng gần đây, trước khi nhà sản xuất chip của Mỹ công bố kế hoạch cắt giảm chi phí mạnh mẽ vào đầu tháng 8. SoftBank hiện đang tập trung vào các cuộc thảo luận với Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Việc tận dụng xưởng đúc của Intel tại Mỹ để sản xuất chip AI trước đó được cho là có thể cho phép SoftBank khai thác nguồn tài trợ theo Đạo luật Chips của chính quyền tổng thống Joe Biden.
Giám đốc điều hành của Intel, Pat Gelsinger, đang cố gắng đưa công ty trở lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu. Sau khi chính phủ Mỹ vào tháng 3 phê duyệt nguồn tài trợ theo Đạo luật Chips với tổng số tiền lên tới gần 20 tỷ USD, Intel đã đầu tư mạnh vào nỗ lực bắt kịp các đối thủ như TSMC và Samsung trong lĩnh vực sản xuất chip. Một số khách hàng mới đã được ghi nhận.
Chia sẻ về cuộc đàm phán thất bại, SoftBank cho biết nhà sản xuất chip này không có khả năng đáp ứng nhu cầu về khối lượng và tốc độ. Hiện số lượng nhà sản xuất chip có năng lực cần thiết để sản xuất bộ xử lý AI tiên tiến còn hạn chế.
Không hề nao núng trước những bất ổn xung quanh kế hoạch sản xuất của mình, Son chào hàng một số tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Google và Meta, khi cố gắng huy động sự hỗ trợ và tài trợ cho dự án mới nhất. Ông cho biết SoftBank có thể giúp chống lại sức mạnh thị trường của Nvidia.
Những người chỉ trích kế hoạch của Son đã đặt ra câu hỏi rằng liệu việc chuyển Arm sang sản xuất chip có thể làm hỏng mối quan hệ của công ty với Nvidia hay không. Đáp lại, SoftBank tin rằng rủi ro là xứng đáng nếu công ty hái được trái ngọt.
Son hiện có ý định thiết kế và sản xuất chip AI, với một ước tính đầy tham vọng cho thấy nguyên mẫu có thể sẵn sàng trong vài tháng. Tuy nhiên, năng lực sản xuất chip là rào cản đáng kể. Ông chủ SoftBank đã đàm phán với TSMC nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận vì nhà sản xuất chip có trụ sở tại Đài Loan cũng đang phải vật lộn đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng hiện tại, bao gồm cả Nvidia. Một số chuyên gia cho rằng nếu có thể đạt được thỏa thuận với TSMC, ông Son sẽ cần một đối tác khác nữa có chuyên môn về thiết kế chip.
Chi phí cho dự án mới nhất của Son có thể lên tới hàng chục tỷ USD, song một số người thân cận với SoftBank cảnh báo rằng việc đưa ra con số tổng vốn đầu tư cần thiết là không thực tế vào thời điểm này. Họ cho biết giám đốc điều hành đã thăm dò các nhà đầu tư từ Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất về kế hoạch này, song vẫn chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.
Intel, vốn là nhà đầu tư chủ chốt trong đợt chào bán công khai lần đầu của Arm vào tháng 9 năm ngoái, tiết lộ đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại nhà thiết kế chip của Anh trong quý II năm nay. Gần đây, công ty đã phải tạm dừng trả cổ tức để tiết kiệm tiền mặt.
Vào tháng 4, Intel tiết lộ khoản lỗ 7 tỷ USD cho mảng kinh doanh sản xuất. Trong thông báo kết quả mới nhất vào đầu tháng này, công ty còn đưa ra kế hoạch cắt giảm khoảng 15% lực lượng lao động trong bối cảnh doanh thu giảm. Cổ phiếu công ty đã mất 1/4 giá trị chỉ trong 1 ngày.
Trước đó, SoftBank cam kết đầu tư gần 9 tỷ USD mỗi năm vào trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi đang hạn chế rót vốn cho các thương vụ lớn. Người sáng lập Masayoshi Son đã lên tiếng chia sẻ niềm tin của mình với AI cũng như sự cần thiết định hình lại tập đoàn trong việc tìm kiếm các thỏa thuận có thể hỗ trợ Arm - công ty vừa IPO vào năm ngoái.
Giám đốc tài chính của SoftBank, Yoshimitsu Goto, nói với Financial Times: “Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ giữ nguyên xu hướng tốc độ hoạt động đầu tư. Kể từ bây giờ, chúng tôi muốn tăng cường đầu tư vào các công ty AI. Lý do chúng tôi giữ bảng cân đối kế toán của mình ở mức an toàn là vì chúng tôi luôn muốn chuẩn bị sẵn sàng và linh hoạt”.
Chia sẻ với tờ WSJ, Giám đốc điều hành Tập đoàn SoftBank Masayoshi Son cho biết mong muốn đầu tư vào công nghệ của ông đã khơi dậy trở lại nhờ một cuộc trò chuyện kéo dài vài giờ với ChatGPT về những ý tưởng mà chatbot này công nhận là “tuyệt vời”.
Theo: The New York Times, WSJ
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn