Soi cách thuyết trình trên Shark Tank, khám kỹ năng "pitching" cho Startup: Đừng khua tay múa chân vụng về và tùy tiện!

Mặc dù được cho là đã có phần chuẩn bị rất kỹ lưỡng, song, các Founder của LaGaia vẫn không giấu được các kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ cơ thể có phần hơi vụng về và cứng nhắc, thiếu phần tự nhiên.

Tập 8 Shark Tank Việt Nam mùa 6 xuất hiện deal “khủng” 39 tỷ của Start-up LaGaia – một doanh nghiệp trong lĩnh vực thưa giãn sức khỏe và làm đẹp. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm thương trường và khả năng trình bày trôi chảy, hai nhà sáng lập của LaGaia vẫn không giấu được phần ngôn ngữ cơ thể lúng túng khi thuyết trình gọi vốn.

Theo chị Võ Thị Mỹ Duyên – Diễn giả Áo dài, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK cho biết ngôn ngữ cơ thể hay phần hình ảnh chiếm đến 75% lượng thông tin được thu nhận của người nghe. Điều này chứng tỏ khán giả sẽ dễ bị thuyết phục và thu hút hơn khi một câu chuyện, bài phát biểu,… có nhiều hình ảnh, dẫn chứng và ngôn ngữ cơ thể phù hợp. Việc sử dụng bàn tay khi nói chuyện là một hành động tự nhiên và mang lại rất nhiều lợi ích cho người nói.

Không có cái gọi là “ngôn ngữ cơ thể đúng”

Rất dễ để thấy, hai Founder của LaGaia đã liên tục có những động tác đóng mở tay liên tục và khá gượng gạo. Đặc biệt là phần nội dung: “LaGaia xây dựng để hướng đến nhóm đối tượng chính là phụ nữ (đưa tay về phía Shark Tuệ Lâm), nhưng cũng không quên nhu cầu thiết yếu của đàn ông (chụm tay về trước cùng 1 hướng – trong khi có đến 4 Shark nam đang ngồi), người già (cả hai nhà sáng lập đều vung tay ra – nhưng không có ai đại diện đối tượng người già này ở đó) và trẻ nhỏ (lại chụm tay và đưa về phía trước các Shark)”. Các động tác này chắc hẳn đã được các Founder luyện tập rất nhiều để trùng khớp với lời thoại trình bày, nhưng chưa thật sự hiệu quả.

Soi cách thuyết trình trên Shark Tank, khám kỹ năng "pitching" cho Startup: Đừng khua tay múa chân vụng về và tùy tiện! - Ảnh 1.

Những động tác tay đóng-mở liên tục của 2 nhà sáng lập LaGaia có phần khó hiểu

Hiện có hơn 50 triệu kết quả tìm kiếm về hướng dẫn cách dùng tay khi thuyết trình. Tuy nhiên, theo Diễn giả Mỹ Duyên, vốn không có cái gọi là “ngôn ngữ cơ thể đúng”. “Về bản chất, không ai cử động giống nhau cả. Ví dụ khi chào không thể bắt người ta phải vẫy tay phải, vì có người chào bằng cách vẫy tay trái, có người vẫy 2 tay, hoặc đơn giản hơn có người không vẫy tay vẫn là chào (người mỉm cười, có người gật nhẹ đầu,…). Vì vậy về bản chất, ngôn ngữ cơ thể không có CHUẨN ĐÚNG. Nhưng, ngôn ngữ cơ thể sẽ có CHUẨN SAI – tức là những thứ không được làm", diễn giả này lý giải.

Chị Mỹ Duyên cũng chia sẻ thêm: “Cách đơn giản nhất để sử dụng động tác tay khi thuyết trình là hãy nghe theo nhịp điệu và cảm giác của bản thân mình – một cách tự nhiên nhất. Con người không giỏi trong việc che giấu các ngôn ngữ cơ thể, vì vậy hãy tận dụng nó thật thoải mái và hiệu quả”.

Có 2 “mục đích sử dụng tay” khi thuyết trình

“Sử dụng động tác tay trong giao tiếp, thuyết trình có nhiều ý nghĩa, mục đích, có thể chia làm hai loại chính: một là dùng để thể hiện nội dung, hai là dùng để thể hiện cảm xúc”, chị Mỹ Duyên cho biết. Nếu cho rằng động tác tay là không phù hợp với 2 mục đích trên, hãy cân nhắc xem có nên dùng một động tác tay khác hay không. Đừng sử dụng chỉ vì muốn làm động tác tay, hay máy móc. Việc sử dụng động tác tay phải nhằm mục đích tăng hiệu quả cho phần chia sẻ - bài thuyết trình, cũng như tăng trải nghiệm thực tế cho khán giả - người nghe. Đồng thời, động tác tay được sử dụng để hỗ trợ nội dung chính, không nên nhầm lẫn dùng động tác tay như ngôn ngữ ký hiệu.

Ví dụ động tác tay thể hiện nội dung: Khi muốn chia sẻ với khán giả về bốn phương diện nào đó thì động tác tay chính là để nhấn mạnh “bốn phương diện”. Khi nói đến những xu hướng như “tăng trưởng từng năm” hay “giảm bền vững”, động tác tay có thể đưa lên-xuống để nói rõ hơn về xu hướng này. Ngoài những điều đó thì động tác tay còn có thể hỗ trợ miêu tả hình dạng, vị trí, kích thước hay trình độ… Hay khi nói về bản thân mình: nghe thì chỉ vào tai, nghĩ thì chỉ vào đầu (thái dương), cảm xúc thì hướng vào trái tim, chia sẻ thì mở tay ra phía trước,…

Soi cách thuyết trình trên Shark Tank, khám kỹ năng "pitching" cho Startup: Đừng khua tay múa chân vụng về và tùy tiện! - Ảnh 2.

Ngôn ngữ cơ thể của Shark Hùng Anh thể hiện cảm xúc

Còn khi muốn thể hiện cảm xúc trong phần diễn thuyết của mình, chị Mỹ Duyên cho biết: “Những động tác tay thường được dùng thể hiện cảm xúc là đưa tay chéo lên trên hoặc xuống dưới, dang tay về phía trước với hai cánh tay mở hoàn toàn. Tuy những động tác này không có mối liên hệ trực tiếp với nội dung diễn thuyết nhưng thông qua đó có thể giúp khán giả cảm nhận rõ ràng hơn về thái độ và cảm xúc mong muốn biểu đạt của diễn giả. Động tác tay loại này sẽ thu hút sự chú ý của khán giả, vì vậy nó cần phối hợp nhịp nhàng với giọng nói và biểu cảm hơn so với động tác tay hỗ trợ thể hiện nội dung. Mỗi động tác của diễn giả, giọng nói và biểu cảm đều cần phải ở trong cùng một trạng thái cảm xúc”.

Độ cao, độ mở và độ mạnh

Ngoài 2 phương diện được xem xét (để thể hiện nội dung và thể hiện được cảm xúc), bà Mỹ Duyên cũng nhấn mạnh: “Khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể tay, người nói còn phải đáp ứng đủ ba yêu cầu về độ cao, độ mở và độ mạnh. Tiêu chuẩn cụ thể về ba yêu cầu độ cao, độ mở và độ mạnh phụ thuộc vào giới tính của người nói, phạm vi không gian của địa điểm diễn thuyết và số lượng khán giả”.

Yêu cầu về độ cao có nghĩa là chỉ cần diễn giả đưa tay để làm động tác tay thì nhất định phải đưa lên cao hơn khuỷu tay hoặc eo, nhưng thấp hơn cằm. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này thì sẽ khiến cho động tác tay trở nên kỳ lạ và rụt rè. “Khi khán giả nhìn bạn, họ sẽ thường nhìn vào khuôn mặt nhiều nhất. Vì vậy hãy cố gắng để đôi bàn tay gần khuôn mặt nhất có thể để khi họ nhìn vào mặt người trình bày, họ có thể thấy cả ngôn ngữ cơ thể, nhưng không được che mất khuôn mặt”.

Soi cách thuyết trình trên Shark Tank, khám kỹ năng "pitching" cho Startup: Đừng khua tay múa chân vụng về và tùy tiện! - Ảnh 3.

Đôi bàn tay để gần khuôn mặt để thể hiện ngôn ngữ cơ thể, nhưng không nên che mất khuôn mặt

Về yêu cầu độ mở, chị Mỹ Duyên cho rằng, một là phần bắp tay phải ở trạng thái mở, hay hiểu đơn giản là hai cánh tay phải dang ra; hai là phần giữa bắp tay và cánh tay phải ở trạng thái mở, tức là không gập khuỷu tay, khuỷu tay mở ít nhất 75 độ. Tuy nhiên không mở quá to vì nếu mở to quá sẽ dễ bị “lố”. Đồng thời, độ mạnh của tất cả động tác tay đều phải tương ứng với độ nặng nhẹ trong giọng nói và cần phải phù hợp với cảm xúc lúc nói. “Giới hạn cụ thể của ba tiêu chuẩn này khó có thể xác định được, nhưng vẫn có mốc để tham khảo, đó chính là căn cứ vào nội dung chia sẻ xem liệu có cần động tác khoa trương đến thế không”, bà Duyên lưu ý.

Có thể thấy ngôn ngữ cơ thể - đặc biệt là bộ tay rất quan trọng trong thuyết trình, trình bày, gọi vốn, song, lại chưa được hiểu đúng và chú trọng. Hy vọng rằng với những kiến thức rất hay về ngôn ngữ cơ thể và ví dụ điển hình từ tập 8 Shark Tank Việt Nam, các Founder có thể rèn luyện cho mình kỹ năng thuyết trình tốt hơn, không chỉ về nội dung mà còn cả về kỹ năng gọi vốn sao cho thuyết phục nhất.

Mai Nguyễn Hoàng Nam

Mai Nguyễn Hoàng Nam

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/soi-cach-thuyet-trinh-tren-shark-tank-kham-ky-nang-pitching-cho-startup-dung-khua-tay-mua-chan-vung-ve-va-tuy-tien-2055952.htm