Bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983) xuất hiện trong thành phần ban lãnh đạo CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC, sàn UPCoM) khi thượng tầng doanh nghiệp này đang "thay máu" mạnh mẽ.
Chỉ bằng một cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2022, bà Vũ Thị Thúy được trao cho vị trí Chủ tịch HĐQT công ty. Không chỉ vậy, bà Thúy còn kiêm nhiệm luôn chức vụ Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của Sông Đà 1.01 (kể từ 31/12/2022).
Phiên họp khi đó đã bãi nhiệm các thành viên HĐQT cũ và nâng số lượng thành viên HĐQT lên 5 người. Các thành viên HĐQT còn lại cũng đều là những người liên quan đến bà Thúy gồm: Ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương, chồng bà Thúy) - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang, ông Trịnh Văn Tôn - Phó tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Nam Nhật Khang, Thành viên Ban chiến lược Bất động sản Nhật Nam.
"Người cũ" duy nhất còn lại là ông Tạ Văn Trung, vốn là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Sông Đà 1.01.
"Thâu tóm" Sông Đà 1.01 với tư cách cổ đông lớn chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên, hiện tại, vợ chồng bà Thúy - ông Phương cùng các doanh nghiệp có liên quan đã kịp thoái sạch vốn.
Cụ thể, bà Thúy bán gần như toàn bộ cổ phiếu SJC vào cuối tháng 3 (chỉ còn sở hữu 22 cổ phiếu - lô lẻ). Còn ca sĩ Khánh Phương cuối tháng 8 cũng bán hết 908.576 cổ phiếu SJC còn lại (tỷ lệ 13,1% vốn), hạ sở hữu tại Sông Đà 1.01 về 0%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang do ông Phạm Khánh Phương làm Chủ tịch và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam cũng đã thoái sạch cổ phần tại Sông Đà 1.01.
Đáng chú ý, dưới thời Chủ tịch Vũ Thị Thúy, Sông Đà 1.01 còn dính bê bối không trả đủ lương cho ông Lê Hà Phương - Giám đốc điều hành công ty - khiến ông này đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Theo thông báo ngày 28/7, ông Phương xin từ nhiệm và đơn phương chấm dứt hợp đồng với Sông Đà 1.01 từ ngày 1/8. Lý do là công ty đã không thanh toán đầy đủ lương cho ông này kể từ ngày ký hợp đồng (tức tháng 1/2023). Trong đơn, ông Phương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lương trước ngày 15/8.
Ông Lê Hà Phương sinh năm 1979. Trước khi từ chức, vào ngày 10/07, ông Phương đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 900.000 cổ phiếu SJC nắm giữ, tương đương 12,9% vốn, với mục đích thu lợi nhuận. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, từ ngày 14/07-11/08.
Trong một diễn biến khác, gần 10 tháng nắm quyền tại Sông Đà 1.01, bà Thúy cùng các cộng sự chưa thể tổ chức đại hội cổ đông lần nào. Ngày 21/8 vừa qua, công ty có văn bản thông báo hoãn họp đại hội cổ đông thường niên 2023 lần 2 vào ngày 27/8 do HĐQT yêu cầu bổ sung thêm nội dung kinh doanh. Công ty này đang tiến hành xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động để Hội đồng quản trị họp thống nhất, thời gian cụ thể tổ chức ĐHĐCĐ 2023 vẫn chưa được công bố.
Trước đó, phiên họp lần thứ nhất vào ngày 28/6 đã không thể diễn ra do không đáp ứng đủ tỷ lệ số cổ đông có quyền biểu quyết dự họp trên 50% tổng số phiếu. Tổng số cổ đông có mặt và ủy quyền cho người khác thay mặt tham dự và biểu quyết tại phiên họp chỉ 4 cổ đông, sở hữu và đại diện cho 10,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngày 24/8 vừa qua, Sông Đà 1.01 mới công bố việc bà Thúy được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật dù đã có quyết định bổ nhiệm kể từ 31/12/2022. Sau đó bà Thúy được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sông Đà 1.01 từ ngày 21/3 thay ông Tạ Văn Trung. Việc công bố thông tin bị chậm trễ từ 5 đến 9 tháng.
Hà Ly
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/song-da-101-thoi-chu-tich-vu-thi-thuy-7-thang-khong-tra-luong-giam-doc-dieu-hanh-2054010.htm