Doanh nghiệp 8 tháng tuổi định giá 390 tỷ đồng
39 tỷ đồng cho 10% cổ phần là đề nghị mà hai Co-Founder Ngọc Nguyễn và Đinh Huyền Trang kêu gọi cho startup LaGaia của mình. Con số này khiến các "cá mập" không khỏi bất ngờ.
LaGaia được giới thiệu là mô hình one-stop shop, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, thư giãn và làm đẹp thiết yếu tại một điểm đến, hướng đến cả phụ nữ, đàn ông, người già và trẻ nhỏ. Mô hình "tận dụng sự bùng nổ của nền kinh tế thẳng đứng", theo đó bám theo các chung cư, ngay dưới chân toàn nhà, nơi khách hàng chỉ cần bấm thang máy là có thể sử dụng dịch vụ. Mô hình của LaGaia phát triển dựa trên ba yếu tố: chi phí đầu tư thấp, chi phí vận hành thấp và giá thành dịch vụ thấp.
LaGaia mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 3/2023. Sau 5 tháng, số cửa hàng tăng lên thành 7 điểm. Đáng chú ý, Ngọc Nguyễn tiết lộ trong năm 2023, doanh thu của toàn hệ thống dự kiến đạt 24 tỷ và EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) có thể lên đến 50%.
Shark Hùng Anh hoài nghi: "Tôi không hiểu nổi, bây giờ vẫn chưa hình dung được lý do tại sao mà chị lãi tới 50%".
Trong khi đó, Shark Minh Beta đã nhanh chóng tính nhẩm để giúp startup làm rõ những con số này:"Bây giờ mình tính ra cái P&L của một cửa hàng đi. Có nghĩa là từ doanh số đổ xuống thì một cửa hàng các bạn đang tính một ngày khoảng được 10 triệu, đúng không? Thì một tháng là khoảng 300 triệu. Bây giờ mình trừ từng cái chi phí một". Theo đó, sau khi trừ các chi phí như thuê mặt bằng, nguyên vật liệu, chi phí marketing, và các chi phí khác,... tổng cộng hết khoảng 50% thì Shark Minh đã làm rõ được chỉ số lợi nhuận của mô hình có thể lên đến 50% như Co-Founder Ngọc Nguyễn đã chia sẻ trước đó. Gia đình cũng có mô hình kinh doanh trong cùng lĩnh vực, ông chủ hệ thống Beta Cinema cho biết tỷ lệ này là khả thi.
Tuy nhiên, Shark Bình lại cho rằng phần trăm tỉ lệ này chỉ mang tính tương đối và không thực tế: "Nó chỉ thực tế khi mà cái điểm bán của em nó đã đạt được full công suất. Nó phải chạy ít nhất khoảng 2 năm".
Shark Tuệ Lâm thắc mắc: "Mình đang gọi 39 tỷ cho 10%. Vậy giả sử bây giờ tôi có 39 tỉ, tại sao tôi không tự mở một cái chuỗi, tôi sở hữu 100% luôn mà lại phải đầu tư vào một cái chuỗi để mình chỉ có 10% thôi?".
Co-founder Ngọc Nguyễn cho rằng Shark Tuệ Lâm hoàn toàn có thể làm điều đó, tuy nhiên hiện tại LaGaia đã có 8 điểm hoạt động, có thể nắm rõ nhu cầu khách hàng, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng có hệ thống báo cáo và quản trị song song, đồng thời có cả học viện để cung cấp nhân sự. Đối với việc có thêm "đối thủ" mới, Co-founder LaGaia cho rằng, đây là một điều hoàn toàn tích cực bởi "có những người đi educate thị trường cùng với tụi em thì khách hàng sẽ đến nhiều hơn".
Trong khi đó, Shark Bình vẫn đặt dấu hỏi về định giá quá lớn của startup. Với một thương hiệu còn rất mới trên thị trường, Shark Bình tỏ ra không đồng tình với cách định giá này: "Sao giờ lên gọi các Shark tận 350 tỷ. Tức là 35 lần. Có phải "bắt nạt" các Shark không?. Các bạn mới bỏ 10 tỷ vào đây mà vội vàng định giá doanh nghiệp gấp 35 lần so với số tiền mình đã đầu tư". Trước ý kiến này, các nhà sáng lập LaGaia tự tin rằng con số đó không phải quá lớn trong thị trường làm đẹp, và khẳng định lại việc định giá này đã được thẩm định bởi một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Không thuyết phục về định giá, Shark Erik, Shark Tuệ Lâm, Shark Hùng Anh và Shark Bình đều từ chối đầu tư.
Muốn phá bỏ định kiến doanh nhân ngành làm đẹp không có tri thức
Shark Minh Beta tỏ ra quan tâm và liên tục đặt các câu hỏi cho hai nhà sáng lập.
Về kinh nghiệm, Ngọc Nguyễn cho biết có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp, Huyền Trang đã kinh doanh thời trang 15 năm, nhóm sáng lập LaGaia còn có anh Trần Đức Minh với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B từng thành công với nhiều thương hiệu và chuỗi đồ ăn lên đến hơn 100 điểm bán cùng bạn Hye Jin người Hàn Quốc phụ trách R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm).
Shark Minh nhận định LaGaia có điểm tương đồng với mô hình của Beta Cinemas - cụm rạp chiếu phim giá rẻ theo phong cách Artistic Urban Lifestyle của anh: "Thực ra mình thấy mô hình này cũng có tiềm năng. Gia đình mình cũng có kinh doanh một chút về spa và rất nhanh hoàn vốn. Đặc biệt mình thấy có nét tương đồng nhất định với mô hình của Beta Cinemas, đi theo hướng low-cost và giá cũng phù hợp".
Cá mập Beta ra deal với các điều kiện ngặt nghèo: "9 tỷ giải ngân vào đầu 2024 để lấy 15%, và 30 tỷ giải ngân vào đầu 2025 lấy 15% nữa với điều kiện mở được đủ 20 điểm vào đầu 2024 và đủ 45 điểm vào đầu 2025, đạt chỉ số 7 tháng payback. Và nhà đầu tư Hàn Quốc họ phải vào cùng". Nói ngắn gọn, Shark Minh Beta đề nghị 39 tỷ đổi lấy 30% cổ phần.
Sau khi thảo luận cùng các nhà điều hành, Co-Founder Huyền Trang vẫn xin giữ lại mức 39 tỷ cho 10% cổ phần cùng các cam kết thực hiện mở rộng điểm kinh doanh theo từng giai đoạn.
Shark Minh liên tục lắc đầu, không thể chấp nhận mức đầu tư này.
Sau nhiều hồi thương lượng, Co-Founder Ngọc Nguyễn xúc động chia sẻ: "Thực ra hôm nay đứng ở chương trình này, điều mà em mong muốn nhất là gửi đến những người đã và đang khởi nghiệp trong ngành làm đẹp là: chúng ta sẽ tạo ra những thương hiệu chuyên nghiệp và bài bản. Ngành của em được đánh giá là doanh nhân không có tri thức. Em muốn truyền đạt là em ngày hôm nay đứng ở đây thì các bạn cũng sẽ tạo ra những thương hiệu Việt mà có thể lan tỏa đi quốc tế hay là khẳng định mình là những người kinh doanh thực sự có tri thức – là hướng đến doanh nhân. Và cũng hướng đến ngành làm đẹp này ngày càng đẹp và văn minh hơn".
Sau màn chia sẻ nhiều nước mắt, Shark Minh Beta nhận định "không dễ để tự mở được một cái chuỗi như thế này", đồng thời ấn tượng và cảm mến trước nỗ lực của các Founder. Anh đưa ra offer là 39 tỷ cho 25% cổ phần, sẽ giải ngân theo từng giai đoạn kèm các điều kiện về mở điểm và sự tham gia của nhà đầu tư Hàn Quốc. Đây cũng là con số được hai nhà sáng lập đồng ý, tạo ra cái kết có hậu cho thương vụ.
Hoàng Thuỳ