Slimcase là một trong 2 startup "câu" được tới 3 "cá mập" trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, bên cạnh Thuyền Xưa. Sản phẩm của Slimcase là ốp lưng điện thoại gần như mỏng nhất thế giới, mỏng hơn cả case của Apple. Trong khi đó, một chiếc ốp trong suốt MagSafe cho iPhone 15 Pro đang được Apple Việt Nam niêm yết với giá khoảng 1.429.000 đồng, tức gấp 3 lần mức giá 400.000 – 500.000 đồng của Slimcase.
Khởi đầu từ Singapore, Slimcase hiện có mặt ở 20 quốc gia, chủ yếu phân phối qua kênh online với 7 thị trường chính. Trong đó, Việt Nam đóng góp 37% tổng doanh thu – chiếm tỷ trọng lớn nhất, thứ hai là Philippines với khoảng 23%. Năm 2023, Slimcase dự kiến doanh thu đạt 45 tỷ đồng, lợi nhuận 7 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu có thể lên tới 120 tỷ đồng.
Cuối cùng, phía startup và các nhà đầu tư cùng đồng ý với deal Shark Minh Beta rót 7 tỷ đồng cho 7%, Shark Lê Hùng Anh 3 tỷ đồng cho 3% và Shark Nguyễn Hòa Bình 2 tỷ đồng cho 2%. Ngoài ra, điều kiện là startup phải trả cổ tức hằng năm.
Xuất hiện trong chương trình Sau bể cá mập, Hải An – Founder & CEO Slimcase cho biết vào buổi tối mà startup lên sóng Shark Tank, cả công ty đã ngồi lại văn phòng để cùng theo dõi, đặt tivi bên cạnh laptop để xem doanh số ảnh hưởng như thế nào.
"Ngay lúc Slimcase bắt đầu vào đã thấy số sale tăng. Tới ngày hôm sau là tăng gấp 6 lần so với một ngày siêu bình thường", Hải An tiết lộ.
Nói thêm về doanh số, Thành Long - Sale Manager của Slimcase cho biết doanh số trung bình mỗi ngày của họ riêng tại thị trường Việt Nam đang gấp 3 lần so với những ngày trước khi lên Shark Tank. Ngoài ra, phía TikTok có mời Slimcase trao đổi trực tiếp, hợp tác để đẩy số đơn cho cả 2 bên, mở ra cơ hội ở thị trường Việt Nam cũng như các nước khác.
Hải An tỏ ra lạc quan về triển vọng Slimcase trở thành "top of mind" (đứng đầu trong tâm trí khách hàng) trên toàn cầu về ốp lưng siêu mỏng nhẹ. Có 2 việc chính startup cần làm là tập trung phát triển sản phẩm thật tốt, đồng thời mở rộng ra những thị trường mới.
"Muốn như vậy chắc chắn phải có một phần vốn và một kế hoạch mà Slimcase đã có", nhà sáng lập nói.
Trước câu hỏi có rủi ro "bùng kèo" nào hay không, Shark Minh Beta bật cười, chỉ ra rằng Shark Bình đã có nhiều "kinh nghiệm đau thương" trong chuyện này, đặc biệt khi startup khoe doanh số tăng vọt nhờ hiệu ứng của chương trình. Chủ tịch NextTech thậm chí từng nói thẳng về "bí kíp bùng kèo" của các startup lên Shark Tank.
"Bước 1: sau khi nhận deal thì giả vờ rất phối hợp, nhưng khi các Shark yêu cầu gửi số liệu thì hoãn binh bằng rất nhiều phương pháp, chậm gửi số liệu hoặc gửi nhỏ giọt cho đến lúc chương trình phát sóng.
Sau khi lên sóng, các bạn sẽ lấy lý do là đơn hàng tăng vọt nhiều quá, chưa có thời gian để phối hợp thẩm định với các Shark. Mất một tháng gì đó, sau đấy bắt đầu đưa ra rất nhiều lý do làm cho các Shark nản và tự bỏ cuộc", Shark Bình phát biểu trong tập cuối Shark Tank mùa 6.
Trước vấn đề này, Hải An cho biết đúng là sau khi lên Shark Tank, doanh số tăng vọt đồng nghĩa với công việc tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, anh cam đoan việc thẩm định với các Shark cũng là ưu tiên của doanh nghiệp.
"Để các Shark tham gia vào, chúng em cũng phải chuẩn bị kỹ kế hoạch kinh doanh cho năm sau, song song với các tài liệu khác. Chúng em chắc chắn muốn có đầu tư. Kể cả doanh số tăng gấp 6 mà muốn có thêm tiềm năng thì chắc chắn phải thêm vốn. Nếu thực sự được offer vốn với mức phần trăm hợp lý, không có lý do gì bọn em lại bùng kèo", Hải An khẳng định.
"Vốn cũng quan trọng, nhưng sự hỗ trợ từ các Shark cũng rất quan trọng nữa. Đó là lý do tại sao chúng em rất muốn có deal này", Thành Long nói thêm.
Minh Anh