Suốt gần 5 năm, Dandao Simon, một tài xế ở thành phố cảng Cotonou, Benin, phải dành những 70% thu nhập để mua xăng và sửa chữa xe máy. Sang đến năm 2023, Simon bắt đầu nghe nói về Spiro - startup chuyên hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới với nhiều trạm đổi pin ở Cotonou.
Cùng với 4.000 tài xế khác, Simon đã tới Spiro và đổi xe máy cũ của mình lấy mẫu Commando chạy điện. Chiếc xe mới có thể đi được quãng đường lên tới 160 km/lần sạc.
“Tôi yêu chúng vì chúng không có xích. Tôi sẽ không cần nhờ cậy thợ cơ khí thay dầu nữa. Thu nhập không lớn nhưng được cải thiện rất nhiều”, anh Simon nói.
Được thành lập vào năm 2019 bởi Quỹ Công nghiệp hóa và Chuyển đổi Châu Phi (ATIF), Spiro là công ty xe 2 bánh chạy điện lớn nhất châu Phi. 10.000 chiếc xe máy điện đã được triển khai trên khắp Benin, Togo, Rwanda và Kenya. ATIF chịu trách nhiệm tài trợ và bổ nhiệm một số vị trí CEO.
Spiro kiếm tiền từ pin EV có trong xe cũng như 600 trạm đổi, theo Giám đốc điều hành Jules Samain. Thành công cho đến nay rất ấn tượng, song các chuyên gia xe điện cảnh báo công ty có thể gặp khó khăn trong tương lai do mô hình kinh doanh thâm dụng vốn đòi hỏi nhiều máy móc, thiết bị…
Theo Toffene Kama, nhà đầu tư tại Mercy Corps Ventures, việc gánh chịu toàn bộ chi phí phương tiện để đưa người dùng vào mạng hoán đổi là không khả thi về lâu dài . “Bạn lấy lại những chiếc xe hiện có, vứt chúng đi và đưa cho khách hàng một chiếc xe điện mới. Nếu làm vậy, bạn có thể sẽ phải bù đắp bằng chi phí năng lượng cao hơn”, Kama nói.
Spiro ban đầu kỳ vọng có thể kiếm tiền từ việc trang bị công nghệ EV cho những chiếc xe máy cũ. Tuy nhiên, điều đó đã không thành công. Samain cho biết khoảng 40% số xe mà Spiro thu thập được đều bị chuyển thành phế liệu và bán với giá dưới 20 USD/chiếc (gần 500 nghìn đồng). Tại Togo và Benin, hàng trăm chiếc xe bị bỏ hoang đang chờ được loại bỏ.
Bất kỳ chủ sở hữu xe đạp nào cũng có thể đến trung tâm trao đổi Spiro, xác minh thông tin và sau đó nhận một chiếc xe điện hoàn toàn mới trong vòng 1 tuần. Tài xế sẽ phải trả khoản phí hàng ngày là 3.200 franc CFA (5,32 USD) cho tối đa bảy lần đổi pin và mỗi lần đổi pin bổ sung sẽ có giá 500 franc CFA (83 xu). Phí hàng ngày đã bao gồm bảo hiểm và dịch vụ bảo trì. Sau 150.000 km, tài xế được toàn quyền sở hữu chiếc xe và không cần phải trả phí đổi xe hàng ngày nữa.
Samain cho biết Spiro đã đầu tư hơn 50% số vốn 143 triệu USD huy động được để đạt được quy mô hiện tại. Công ty cũng sẽ phải mất hơn 100 triệu USD để đưa 10.000 chiếc xe máy điện ra thị trường.
“Thành thật mà nói, đó là một số tiền rất lớn”, Samain nói và cho biết Spiro sẽ tiếp tục loại bỏ những chiếc xe cũ cho đến khi có cách bền vững để trang bị thêm công nghệ EV. “Tôi nghĩ rằng một số công ty đã thử trang bị thêm công nghệ nhưng kết quả không khả quan. Tôi không nghĩ rằng đó là một lựa chọn khả thi vào lúc này”.
Trong khi đó, một số người dùng đã bắt đầu tận dụng ưu đãi trao đổi của Spiro.
Tại thủ đô Lome của Togo, Anani Yaovi Paul, 28 tuổi, quyết định mua một chiếc xe cũ giá rẻ. Mục đích duy nhất là đổi nó lấy một chiếc xe điện Spiro Commando mới tinh.
Bình luận về tình trạng này, một giám đốc điều hành của Spiro cho biết công ty không quan tâm nhiều, miễn là chủ sở hữu xe trả đều đặn phí mỗi ngày và sử dụng dịch vụ hoán đổi pin tại trạm.
“Mọi người có vẻ đều đã biết đến xe của chúng tôi. Giờ chúng tôi cần thay đổi chiến lược một chút”, ông nói và cho biết công ty đang thử nghiệm “chiến lược mô hình giảm giá” ở Kenya và “làm việc với một số đại lý để làm nền tảng phân phối sản phẩm”.
Oluwatosin Osho, một nhà phân tích đầu tư, tin rằng mô hình kinh doanh của Spiro đầy hứa hẹn và công ty vẫn có thể thu được lợi nhuận.
“Tôi nghĩ loại mô hình kinh doanh này vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao”, anh nói và cho biết, yếu tố chính dẫn đến thành công cho các doanh nghiệp sử dụng mô hình này là khả năng huy động tiền dễ dàng cũng như chính sách giúp tài xế hoàn trả trong một khung thời gian thích hợp.
Vào năm 2023, Spiro hợp tác với chính phủ Uganda để đưa 140.000 chiếc xe ra thị trường. Công ty cũng bắt tay với chính phủ Kenya để triển khai 1,2 triệu chiếc xe điện trong nước. Nhà sản xuất Trung Quốc Horwin cũng nằm trong danh sách hợp tác.
Theo Tom Courtright, nhà tư vấn kiêm giám đốc nghiên cứu phương tiện tại Africa E-Mobility Alliance, sự phụ thuộc của Spiro vào các nhà sản xuất Trung Quốc có thể là mối lo trong tương lai.
“Vấn đề là thị trường pin đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc đáp ứng một cách linh hoạt là cực kỳ khó khăn, trừ khi bạn có nhiều nguồn pin dự trữ”, Tom Courtright nhận định.
Hiện tại, các nhà sản xuất xe điện Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào pin Trung Quốc, do đó thiếu quyền kiểm soát hoàn toàn đối với chất lượng. Điều này dấy lên nhiều mối lo xoay quanh sự an toàn của những phương tiện chạy điện. Hiện tại, Ấn Độ nhập khẩu 100% pin lithium-ion.
Để giảm sự phụ thuộc vào các đối tác Trung Quốc, vào năm 2024, Spiro lên kế hoạch thành lập các nhà máy lắp ráp xe điện và nhà máy sản xuất pin tại 4 quốc gia nơi hãng hoạt động, theo Giám đốc điều hành Kaushik Burman. “Chúng tôi đã cam kết sẽ có một nhà máy sản xuất và lắp ráp hoạt động ở Đông Phi khi chúng tôi đến Kenya”.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến tháng 8/2023, Ấn Độ có khoảng 2,3 triệu chiếc xe điện đang lưu hành. Hơn 90% trong số đó là xe 2 hoặc 3 bánh, chẳng hạn như xe máy, xe scooter điện và xe kéo điện. Giá thành chúng rẻ hơn nhiều so với ô tô và vì thế, phù hợp với thu nhập người lao động Ấn Độ.
“Tôi thích lái xe điện vì chúng không phát thải, cũng không cần xăng dầu và ít phải sửa chữa vặt”, anh Santhosh Kumar, tài xế của công ty City Link, chia sẻ.
Theo: Rest of World, Nikkei
Vũ Anh