Chiều thứ Sáu ngay trước lễ Giáng sinh năm ngoái, Kent Walker, luật sư hàng đầu của Google, đã triệu tập 4 nhân viên và phá hỏng kỳ nghỉ cuối tuần của họ.
Nhiều tuần trước, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng một cuộc họp với các giám đốc điều hành để thảo luận về độ an toàn các sản phẩm của Google. Mọi thứ đã xong xuôi song chiều hôm đó, ông Walker bất ngờ thông báo với nhóm của mình rằng ‘chương trình nghị sự’ đã thay đổi. Họ sẽ phải dành vài ngày tới để chuẩn bị slides và biểu đồ mới.
Thực tế, Google đã thay đổi toàn bộ chương trình của mình chỉ trong vòng 9 ngày. Sundar Pichai, giám đốc điều hành, quyết định phát triển loạt sản phẩm dựa trên trí tuệ nhân tạo mới ngay lập tức và luật sư Walker không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu nhóm của mình bắt tay vào việc.
Chính ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo được phát hành vào ngày 30 tháng 11 năm 2022 bởi OpenAI, đã thúc đẩy Sundar Pichai và phần còn lại của Thung lũng Silicon dấn thân. Năng lực trả lời đủ thứ câu hỏi trên đời của chatbot này đã thu hút trí tưởng tượng của hàng triệu người, thậm chí cả những ai từng nghĩ AI chỉ là khoa học viễn tưởng.
Tại Googleplex, nơi nổi tiếng với đồ ăn miễn phí, dịch vụ mát-xa, lớp thể dục và dịch vụ giặt là, Sundar Pichai cũng đang chơi đùa với ChatGPT. Sự kỳ diệu của nó không làm ông ngạc nhiên bởi Google từ lâu đã nghiên cứu một chatbot của riêng mình. Nếu OpenAI có thể thì tại sao Google lại không thể chứ?
Đối với các công ty công nghệ, thời điểm và cách thức biến A.I. thành mảng kinh doanh có lợi nhuận là một phép tính khá khó. Tất nhiên, để tìm ra kết quả, bạn cần có sản phẩm trước đã.
Đến sáng ngày 12/12, trong một chương trình mới với tên gọi “Đặc quyền và Bảo mật/Cần biết”, luật sư Walker bắt đầu cuộc họp bằng lời thông báo rằng Google đang tiến hành phát triển chatbot và AI.
Những gì diễn ra ở Google cũng được ghi nhận ở những gã khổng lồ công nghệ khác sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối năm 2022. Trước đó, một số công ty đều sở hữu công nghệ này song hoãn huỷ chương trình vì lo ngại tính pháp lý cũng như rủi ro lừa đảo.
Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với hơn 80 giám đốc điều hành và nhà nghiên cứu, sau khi ChatGPT được ra mắt, những lo sợ trên không còn quan trọng nữa. Bản năng khao khát trở thành người đứng đầu đã thôi thúc các công ty lớn nhất Thung lũng Silicon đặt ra lộ trình mới.
Hơn 12 tháng, Thung lũng Silicon thay đổi. Hiện thực hoá trí tuệ nhân tạo trở thành ưu tiên hàng đầu, trong khi rủi ro người dùng tạm thời bị bỏ qua, ít nhất là vào lúc này.
Tại Meta, Mark Zuckerberg, người từng tuyên bố metaverse là tương lai, tái khởi động bộ phận phát triển AI, trong khi tỷ phú Elon Musk thành lập startup X.AI và phát hành một chatbot có tên Grok.
“Tốc độ quan trọng hơn bao giờ hết”, Sam Schillace, một giám đốc điều hành cấp cao, viết cho nhân viên Microsoft.
OpenAI chưa bao giờ nghĩ ChatGPT sẽ làm thay đổi cả Thung lũng Silicon. Vào đầu tháng 11 năm 2022, một vài tuần trước khi được tung ra thế giới, chatbot này thậm chí còn chưa hoàn thiện. Rõ ràng đây là một cuộc cách mạng, song rất nhiều vấn đề phát sinh phía sau. OpenAI liên tục trì hoãn việc ra mắt và bàn bạc xem mình phải làm những gì.
Giữa tháng 11 năm 2022, SamAltman và Greg Brockman, chủ tịch OpenAI ngồi lại với nhau để cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ đột phá. Bất ngờ, Sam Altman đưa ra quyết định tung ra phiên bản công nghệ cũ kém hiệu quả để theo dõi phản ứng người dùng.
Mira Murati, giám đốc công nghệ của OpenAI, cho biết: “Chúng tôi chỉ dự định coi nó như một bản phát hành nghiên cứu. Điều này giúp làm giảm rủi ro, đồng thời cho phép chúng tôi học hỏi được nhiều điều. Chúng tôi đang hướng tới đẩy nhanh kế hoạch trong vài ngày tới để biến điều đó thành hiện thực”.
Vào ngày 29/11, đêm trước ngày ra mắt, chủ tịch Brockman vẫn không tin ChatGPT có thể thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy. Gần như ngay lập tức, số lượt đăng ký mới tràn ngập các máy chủ của công ty. Không ai có thể lý giải thành công vượt ngoài sự mong đợi này.
Trong bữa tối tại phòng họp của Microsoft, ông Nadella, chủ tịch Microsoft tuyên bố bắt đầu coi công nghệ này như một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Khoản đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI đến nay đã tăng lên 3 tỷ USD, rồi 13 tỷ USD.
Điểm sáng lớn nhất là Open AI đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư phục vụ quá trình phát triển mô hình dữ liệu. Altman cho biết công ty mình có thể sẽ trở thành “startup sử dụng nhiều vốn nhất lịch sử Thung lũng Silicon” bởi mô hình gần đây nhất là GPT-4 ước tính tiêu tốn khoảng 100 triệu USD - gấp nhiều lần so với GPT-3. Bài toán chi phí chính là lý do vì sao Open AI chưa đào tạo mô hình GPT-5 tiếp theo mà chỉ xây dựng GPT-4.5 - chatbot có “chất lượng tương tự” GPT-4 nhưng không tiêu tốn nhiều chi phí bằng.
Không chỉ dừng lại ở ChatGPT, Open AI dần trở thành một nền tảng có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ dành riêng cho từng đối tượng khách hàng. Bản thân công ty cũng đầu tư 175 triệu USD vào các startup AI nhỏ hơn để vừa quảng bá các mô hình của mình, vừa thu về lợi nhuận.
Vị thế người tiên phong chắc chắn có lợi cho Open AI. Quá trình đào tạo mô hình đòi hỏi rất nhiều bí quyết kỹ thuật, từ nhận dạng dữ liệu chất lượng cao đến thủ thuật xử lý mã nguồn. Altman ước tính chưa đến 50 người trên thế giới đạt đến trình độ này song may mắn, nhiều nhân tài trong số họ đang làm việc tại Open AI.
Hồi tháng 8, Reuters đưa tin rằng OpenAI đặt mục tiêu thu về hơn 1 tỷ USD trong năm tới. Hồi tháng 9, WSJ cũng cho biết công ty đang tìm kiếm mức định giá từ 80-90 tỷ USD, tức sánh ngang với những công ty lớn nhất nhì làng công nghệ.
Theo: WSJ, The New York Times
Vũ Anh