Apple vừa chấm dứt dự án xe điện kéo dài hàng thập kỷ, trong khi đối thủ đến từ Trung Quốc bắt đầu "nhấn chân ga". Điều này được cho là có thể định hình lại thị trường xe điện cao cấp ở Trung Quốc và sau cùng là trên toàn cầu.
Chiếc EV đầu tiên của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Xiaomi có khởi đầu tương đối tích cực. Hãng nhận được gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên sau khi ra mắt mẫu sedan SU7 vào thứ Năm tuần trước. Chiếc SU7 trông rất giống dòng Porsche Taycan, theo ý kiến của một số chuyên gia, có giá khởi điểm khoảng 30.000 USD, tức rẻ hơn khoảng 4.000 USD so với một chiếc Tesla Model 3.
Khi xe điện ngày càng được thông minh hóa, các nhà sản xuất điện thoại được cho là sở hữu nhiều lợi thế. Họ có kinh nghiệm thiết kế phần mềm đẹp mắt, dễ sử dụng, lại quản lý được chuỗi cung ứng phức tạp tích hợp các bộ phận như máy ảnh và cảm biến.
Theo CEO Lei Jun, SU7 được định vị là “chiếc xe mơ ước”, có thể cạnh tranh với các mẫu Tesla và Porsche. Ông cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào dự án xe điện trong khoảng 10 năm, mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong 15-20 năm tới.
“Xiaomi Auto đang nỗ lực nâng cao vị thế của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc”, ông nói.
Cổ phiếu Xiaomi phản ứng vô cùng tích cực. Các chuyên gia dự báo hãng sẽ bán được khoảng 100.000 chiếc trong năm nay.
Để so sánh, Tesla bán được hơn 140.000 chiếc Model 3 tại Trung Quốc vào năm ngoái. BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu nước này, thì trao tay khoảng 2,8 triệu ô tô các loại tại đại lục vào năm 2023.
Xiaomi không phải là nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc duy nhất cố gắng tự sản xuất xe điện. Huawei cũng đang tăng tốc, chỉ là cách tiếp cận có sự khác biệt. Thay vì tung ra sản phẩm mới dưới thương hiệu riêng, Huawei hợp tác với các nhà sản xuất ô tô khác nhau để cùng tạo ra bản thiết kế vĩ đại. Công ty cũng đang cung cấp phần mềm và phần cứng cho ô tô với tên gọi “Huawei Inside”.
Mặt khác, Xiaomi có nhà máy xe điện riêng ở Bắc Kinh, đồng thời hợp tác với nhà sản xuất ô tô nhà nước BAIC để hiện thực hóa tham vọng của mình.
Việc chỉ mất 3 năm để Xiaomi cho ra đời chiếc xe điện đầu tiên đã cho thấy tốc độ phát triển cực kỳ khủng khiếp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Để so sánh, Apple mất 10 năm làm xe điện nhưng không thành.
Xiaomi là một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc. Ngoài việc sản xuất điện thoại, hãng còn bán nhiều loại sản phẩm điện tử, từ nồi cơm điện đến máy hút bụi. Danh tiếng sẵn có được cho là có thể giúp Xiaomi bán ô tô, miễn là không có bất kỳ vấn đề gì khi tài xế lái xe trên đường.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cuộc phiêu lưu bằng xe điện có thể sẽ không mang lại lợi nhuận trong một thời gian, do cuộc chiến về giá chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Bản thân Xiaomi cũng sẽ cần tăng chi tiêu và đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Hiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Xiaomi đang tạo ra khá nhiều tiền mặt, song sản xuất ô tô vẫn là quy trình khác biệt so với điện thoại thông minh hoặc các thiết bị gia dụng. Sẽ có nhiều yêu cầu quy định hơn.
Trước đó, hình ảnh vệ tinh của nhà máy Xiaomi đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Theo ghi nhận, nhà máy được khởi công xây dựng vào tháng 4/2022 và hiện đã bước vào giai đoạn sản xuất xe hoàn chỉnh. Số lượng xe đậu trong bãi đỗ xe cũng tăng lên đáng kể.
Theo thông tin trước đây từ truyền thông Trung Quốc, nhà máy được xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với diện tích gần 720.000m2 đã được khởi công vào tháng 4/2022 và hoàn thành vào tháng 6/2023. Giai đoạn 2 dự kiến khởi công vào năm 2024 và hoàn thành vào năm 2025.
“Xiaomi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô nhưng là bậc thầy về chuỗi cung ứng. Họ tham gia cuộc đua vào thời điểm mọi thứ đã phát triển tương đối ổn định”, một chuyên gia nhận định.
Không giống như Apple, có lẽ Xiaomi sẽ không ngại lao vào cuộc chiến giá cả dù mới đây, hãng này bị chỉ trích nặng nề vì để thời gian chờ giao hàng kéo dài quá lâu, không tuân thủ cam kết hoàn tiền và nghiêm trọng hơn, để một số chiếc xe lái thử vận hành không an toàn trên đường.
Video và hình ảnh những chiếc SU7 gặp tai nạn trên đường đang lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc. Một trong những video đó, tài xế lái chiếc SU7 màu Aqua Blue đã có dấu hiệu mất lái đâm vào lề đường. Chuyên gia nhanh chóng vào cuộc và phát hiện ra chiếc SU7 này đã gặp vấn đề với phần mềm kiểm soát lực kéo (TC).
Trước đó, Xiaomi công bố nhận 50.000 đơn đặt hàng trong vòng 27 phút sau khi mở bán và gần 89.000 đơn hàng trong 24 giờ. Đây chắc chắn là một thành tích ấn tượng, song lượng đặt hàng lớn sẽ khiến hãng này gặp khó khăn trong việc trả đơn.
Reuters cho biết người dùng sẽ phải chờ rất lâu để nhận xe. Những người đặt mua chiếc SU7 Pro sẽ phải đợi 4-5 tháng, trong khi khách đặt bản SU7 Max cao cấp nhất phải chờ những hơn 7 tháng.
Một số người dùng phàn nàn rằng họ muốn đơn nhưng không thể lấy lại tiền cọc. Xiaomi trước đó cam kết khoản đặt cọc 5.000 tệ trong vòng 7 ngày kể từ khi đặt, song nhiều phản ánh cho biết việc hủy đặt hàng trên website của hãng đang rất gặp rất nhiều khó khăn.
Theo: WSJ, Bloomberg
Vũ Anh