Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, dự thảo luật chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh; trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao; những nội dung chưa đủ chín hoặc có thay đổi theo sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ cũng như sự ổn định của Luật.
Cùng với đó, dự thảo luật tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở.
Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần làm rõ những nội dung nào quy định tại Luật Nhà ở, nội dung nào quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Việc sửa đổi song song các luật liên quan là cơ hội để phân định rõ ràng, nhất quán phạm vi điều chỉnh của các luật. Nếu không giải quyết thấu đáo về phạm vi điều chỉnh, sẽ dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực ban hành. Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các luật này.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ điều kiện hình thành, mua bán, trao đổi nhà ở thương mại để phát huy thế mạnh, gia tăng khả năng tiếp cận, mua bán của các đối tượng đối với loại hình này.
Đối với nhà ở xã hội, đây là loại hình Nhà nước cần có chính sách ưu tiên nhất định về quy hoạch, xây dựng, các loại thuế phí.
Với nhà ở giá rẻ, cần có ưu tiên một phần của Nhà nước, có cách tiếp cận phù hợp để đảm bảo quyền lợi của đối tượng sở hữu.
Về chính sách phát triển, quản lý sử dụng nhà ở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như quy định của Hiến pháp đều hướng đến đảm bảo nơi ở, chỗ ở cho mỗi công dân. Lý tưởng nhất là mỗi hộ gia đình đều sở hữu căn nhà, căn hộ hoặc ít nhất cũng cần đảm bảo các hộ gia đình có nhà ở, nơi ở.
Tại Điều 4 về chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, cần đưa quan điểm, chính sách của Đảng trong Chiến lược phát triển nhà ở vào nội hàm quy định. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và góp ý.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào các văn kiện, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để có quy định rõ ràng, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
Liên quan đến nghĩa vụ của các chủ đầu tư ở các dự án nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 6 Điều 4 cần sửa đổi, bổ sung thành “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan” để đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ.
Về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung quy định liên quan đến việc dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng pháp luật được thực hiện trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định đã có, đã thực hiện ổn định trong pháp luật, được thực tiễn chứng minh, nhưng đồng thời cũng có những điều chỉnh linh hoạt hơn, như phương án Ủy ban Pháp luật đã đề xuất.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, tán thành ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên quy định tại luật này mà sẽ quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi).
Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu chưa thể đi đến thống nhất thì cần trình bày rõ ràng hai phương án với lập luận khách quan, nêu rõ ưu điểm, hạn chế, đánh giá kỹ tác động để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, qua đó trình Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định.
Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chỉnh lý lại quy định cho phù hợp với pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/sua-luat-nha-odam-bao-cho-o-cho-moi-cong-dan-theo-quy-dinh-2053728.htm