Sức cầu tiêu dùng yếu kéo lùi lợi nhuận 'ông lớn' ngành bán lẻ

Sức cầu tiêu dùng yếu đi đã khiến doanh thu và lợi nhuận của loạt doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt suy giảm. Điển hình là Thế giới di động thu lãi thấp kỷ lục còn FPT Retail thua lỗ.

Bán lẻ là một trong số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu tiêu dùng suy yếu trong nửa đầu năm nay. Bằng chứng là nhiều "ông lớn" ngành bán lẻ công bố kết quả kinh doanh ảm đạm, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.

Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MCK: MWG) ghi nhận lợi nhuận thấp kỷ lục đạt 17,4 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ. 

Doanh thu trong kỳ ở mức 29.464 tỷ đồng, sụt giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự suy giảm của hoạt động cốt lõi, Thế giới di động phải gánh chi phí cao hơn với chi phí tài chính tăng 10% lên 397 tỷ đồng, còn chi phí bán hàng tăng 8% lên 5.200 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất là doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên 585,4 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40% xuống 229,1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Thế giới di động ghi nhận doanh thu thuần 56.600 tỷ đồng và lãi ròng 38,6 tỷ đồng, giảm tương ứng 21% và 99% so với cùng kỳ. Như vậy, "ông lớn" bán lẻ chỉ mới thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lãi sau thuế.

Bức tranh tài chính ảm đạm trong quý II là kết quả của chiến dịch “giá rẻ quá” được tung ra từ đầu tháng 4/2023. Trong bối cảnh sức mua yếu từ quý IV/2022, Thế giới di động hạ giá sản phẩm điện thoại, laptop, điện máy để cạnh tranh với các đối thủ để kích cầu tiêu dùng. 

suc-cau-tieu-dung-yeu-keo-lui-loi-nhuan-ong-lon-nganh-ban-le-1691568807.jpg
FPT Retail đang trong giai đoạn mở rộng hệ thống nhà thuốc Long Châu

Tình trạng sức cầu suy yếu kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp cũng xảy ra ở CTCP Thế giới số (Digiworld, MCK: DGW). Trong quý II/2023, doanh thu thuần của Digiworld đạt 4.596 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 87 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 36% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu mảng điện thoại di động của Digiworld trong quý II/2023 sụt giảm 19% so với cùng kỳ, ghi nhận 2.190 tỷ đồng. Đây cũng là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Công ty. Mảng thiết bị văn phòng đem lại doanh thu 730 tỷ đồng, giảm 17%, do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí.

Hai mảng chủ lực của Digiworld đều "đi lùi" theo sức cầu thị trường nhưng bù lại các mảng phụ trợ được đẩy mạnh cho kết quả tốt. Điển hình là mảng hàng tiêu dùng trong quý II ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 83% so với cùng kỳ, đạt 170 tỷ đồng, nhờ bắt tay với hai “ông lớn” AB InBev và Lotte Chilsung Beverage phân phối đồ uống.

Mảng thiết bị gia dụng cũng tăng 54%, đạt 166 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận doanh thu tăng 19%, đạt 1.342 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường khả quan hơn khi lãi suất giảm và các đại lý trữ hàng cho mùa tựu trường quý III.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Digiworld đạt doanh thu 8.556 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,2% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, công ty mới hoàn thành 43% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Chia sẻ tại hội thảo “Connecting to Customers - Ngành hàng tiêu dùng: Đi tìm điểm đổi chiều xu hướng” ngày 27/7, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld kỳ vọng đến quý IV/2023 sẽ trở lại của chu kỳ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nửa cuối năm 2023, doanh thu có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, MCK: FRT) có lẽ là doanh nghiệp thiệt hại nặng nề nhất trong ngành khi kinh doanh thua lỗ trong quý II/2023. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu FPT Retail đạt 7.170 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ nhưng vẫn báo lỗ sau thuế 214,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 46,7 tỷ đồng).

Lãnh đạo FPT Retail cho biết, doanh thu quý II sụt giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các nhà bán lẻ cạnh tranh giá bán để giành thị phần.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.923 tỷ đồng; lỗ 212,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Bạch Điệp- Chủ tịch FPT Retail nhận định khó khăn có thể còn kéo dài hết năm 2023. Sau dược phẩm, FPT Retail có thể nhắm đến một số ngành bán lẻ vừa triển vọng lại an toàn như ăn uống, hàng tiêu dùng, mẹ và bé…

Có thể thấy, doanh nghiệp bán lẻ không thể ngồi im trông đợi sức cầu tiêu dùng cải thiện hay đà hồi phục của nền kinh tế. Mỗi đơn vị đều đang tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng ở các ngành hàng mới.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/suc-cau-tieu-dung-yeu-keo-lui-loi-nhuan-ong-lon-nganh-ban-le-2053317.htm