Sức mạnh Trung Quốc: Doanh nghiệp Đức ‘quay xe’ khi nhận ra sẽ phải mất ít nhất hàng thập kỷ để giảm phụ thuộc vào nền kinh tế tỷ dân, chuỗi cung ứng xây dựng 50 năm chẳng dễ phá bỏ

Trung Quốc đã, đang và vẫn sẽ là công xưởng toàn cầu nhờ chuỗi cung ứng được đầu tư xây dựng suốt 50 năm qua. Bởi vậy doanh nghiệp Đức đang thay đổi 180 độ về việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sức mạnh Trung Quốc: Doanh nghiệp Đức ‘quay xe’ khi nhận ra sẽ phải mất ít nhất hàng thập kỷ để giảm phụ thuộc vào nền kinh tế tỷ dân, chuỗi cung ứng xây dựng 50 năm chẳng dễ phá bỏ - Ảnh 1.

Tờ Financial Times (FT) dẫn nhận định của giám đốc tài chính (CFO) Ralf Thomas của Siemens, cho rằng các doanh nghiệp Đức sẽ cần ít nhất vài chục năm nữa mới giảm được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó cảnh báo về tình thế khó khăn mà các hãng Phương Tây đang đối mặt khi dựa dẫm quá nhiều vào chuỗi cung ứng Châu Á này.

"Chuỗi cung ứng toàn cầu đã được xây dựng trong 50 năm qua. Bạn có ngây thơ đến mức tin rằng chúng sẽ bị thay đổi chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm hay không? Đây là câu chuyện tốn đến hàng thập kỷ đấy", CFO Thomas nói thẳng.

Bình luận của CFO Thomas được đưa ra sau báo cáo của Viện kinh tế Đức (GEI) cho thấy các tập đoàn nước này đạt được rất ít tiến bộ trong khâu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ năm 2022 đến nay.

Số liệu của Tổng cục thống kê Đức cho thấy Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này với tổng kim ngạch lên đến 254 tỷ Euro năm 2023. Hàng loạt tập đoàn lớn của Đức như Volkswagen và BASF cho đến những công ty vừa và nhỏ (Mittelstand-xương sống của nền kinh tế Đức) đều phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, bất kể là thị trường tiêu thụ hơi nguồn cung ứng nguyên liệu, linh kiện...

Sức mạnh Trung Quốc: Doanh nghiệp Đức ‘quay xe’ khi nhận ra sẽ phải mất ít nhất hàng thập kỷ để giảm phụ thuộc vào nền kinh tế tỷ dân, chuỗi cung ứng xây dựng 50 năm chẳng dễ phá bỏ - Ảnh 2.

Sự phụ thuộc này đang bị nhiều chính trị gia cảnh báo vì mô hình kinh doanh của nền kinh tế Đức đang đối mặt rủi ro trong bối cảnh biến động địa chính trị hiện nay.

Tháng 7/2023, đích thân Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã phải kêu gọi các doanh nghiệp Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hơn nữa nhưng có vẻ không hiệu quả.

Chính tập đoàn Siemens cũng phải thừa nhận ý định mở rộng thị phần tại Trung Quốc, đồng thời lên tiếng bảo vệ quan điểm hoạt động kinh doanh của mình tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Quay xe

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Olaf Scholz đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tuần trước cùng với một phái đoàn doanh nghiệp bao gồm nhiều CEO cấp cao, từ Siemens cho đến BASF.

"Thật là một sự hiểu lầm nghiêm trọng nếu cho rằng Đức muốn giảm giao thương với Trung Quốc. Chúng tôi trên thực tế muốn mở rộng thương mại với Trung Quốc hơn nữa sau khi xem xét đến nhu cầu giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa thương mại", một quan chức chính phủ Đức nói với FT.

Tất nhiên việc quay xe để mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc chẳng hề đơn giản khi công bố của Viện Kiel cho thấy nước này đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Mức trợ cấp của chính quyền Bắc Kinh cho các ngành công nghiệp trong nước, ví dụ như BYD ở mảng xe điện, cao gấp 3 đến 9 lần so với bình quân các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Theo CFO Thomas của Siemens, tập đoàn này "không thể không có mặt ở Trung Quốc" được. Thậm chí sự trỗi dậy của các đối thủ địa phương nhờ trợ cấp chính phủ cũng chỉ là thách thức mà họ phải vượt qua.

"Nếu bạn có thể chịu được sức ép ở Trung Quốc thì bạn cũng có thể thành công ở nhiều nơi khác", CFO Thomas nhận định.

*Nguồn: FT

Băng Băng

Băng Băng

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/suc-manh-trung-quoc-doanh-nghiep-duc-quay-xe-khi-nhan-ra-se-phai-mat-it-nhat-hang-thap-ky-de-giam-phu-thuoc-vao-nen-kinh-te-ty-dan-chuoi-cung-ung-xay-dung-50-nam-chang-de-pha-bo-20512853.htm