Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (MCK: LAS) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 867,7 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng tăng 11% nên lợi nhuận gộp kỳ này tăng 21,7% lên 125,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,3% lên 14,5%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ từ 2,9 tỷ đồng lên hơn 3 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 15% lên 4,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 3 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Chi phí bán hàng tăng 20,6% lên gần 38 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 25% lên gần 47 tỷ đồng; lợi nhuận khác kỳ này tăng 157% lên 1,2 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, quý II/2022 công ty báo lãi 32,3 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Phân bón Lâm Thao đạt 2.080 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 2.048 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm 50% xuống còn 22,8 tỷ đồng; khoản tiền gửi ngân hàng tăng gấp 5,8 lần lên 375 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 48,2% xuống 638,4 tỷ đồng.
Công ty có 714,5 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 23% so với đầu năm, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ, phải trả người bán ngắn hạn giảm 24% xuống 211,7 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 64% xuống 175,6 tỷ đồng.
Thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Supe Lâm Thao là 1.333 tỷ đồng với vốn góp là 1.128 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển là 110 tỷ đồng và có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 80 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng, như vậy sau nửa đầu năm LAS đã hoàn thành được 69% kế hoạch của năm.
Với nhu cầu phân đạm ure ở mức cao tại hầu hết các thị trường chủ chốt, giá loại phân bón 'dẫn dắt' này đột ngột tăng vọt. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, giá phân ure vẫn ở mức ổn định.
Đối với thị trường ure, hiện ure trong nước đã dư thừa (công suất cả nước sản xuất được xấp xỉ 3 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm). Vì thế, nguồn cung ure trong nước không có biến động, còn doanh nghiệp sản xuất ure còn phải đẩy mạnh xuất khẩu để hạn chế tồn kho cao.
Diễn biến của giá phân bón trên thị trường thế giới trong nửa đầu năm 2023 đã bớt "nóng" hẳn so với thời điểm 2021-2022, nhờ đó giá nhập khẩu giảm mạnh. Giá nhập khẩu 6 tháng trung bình 346 USD/tấn, giảm 27,3% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Nhất là sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Hà Anh (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/supe-lam-thao-loi-nhuan-rong-tang-truong-20-trong-quy-ii-tien-gui-ngan-hang-tang-gan-6-lan-2052830.htm