Theo dự kiến, ngày 12/11, đại diện VKSND Cấp cao sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).
Tuy nhiên, sáng 12/11, đại diện VKS bất ngờ đề nghị HĐXX quay lại phần xét hỏi vì cần làm rõ một số vấn đề. Sau khi vào hội ý, HĐXX đồng ý đề nghị này.
Đại diện VKS hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về phương án trả toàn bộ tiền cho SCB để khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan nói ngay từ đầu, bị cáo vẫn cam kết sẽ chịu trách nhiệm xử lý các tài sản liên quan để khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho SCB.
Về phương án khắc phục, bị cáo Lan cho biết, trước mắt, bị cáo đã có 21.000 tỷ đồng là số tiền mà các cá nhân, tổ chức kinh tế lớn đồng ý hoàn trả cho bị cáo. Còn khoản tiền 5.000 tỷ đồng mà bị cáo nộp vào SCB để tăng vốn điều lệ. "Số tiền này nhờ SCB trả lại để bị cáo khắc phục hậu quả", bị cáo Lan nói.
Bên cạnh số tiền trên, bà Lan nói sẽ mang Dự án Mũi Đèn Đỏ và nhiều mã tài sản chưa được định giá có khoảng 100.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Đáng chú ý, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đồng ý đưa dự án 6A với diện tích hơn 26ha tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan cho biết trước khi bị bắt, có người đã đồng ý trả hơn 40.000 tỷ đồng cho bị cáo để phát triển dự án 6A này.
Cũng theo bà Lan, dự án này không liên quan đến Ngân hàng SCB và đề xuất HĐXX nhập dự án này vào danh sách 658 tài sản mà bị cáo dùng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan cũng yêu cầu Ngân hàng SCB cung cấp tài liệu các khoản vay của bị cáo và căn cứ tính lãi suất.
Đại diện Ngân hàng SCB xác nhận tại phiên tòa rằng dự án 6A này không dùng để đảm bảo cho khoản vay nào của Trương Mỹ Lan hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng SCB đồng ý với nguyện vọng của Lan dùng tài sản này để khắc phục thiệt hại cho SCB.
Về số tiền 5.000 tỷ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan đã góp để tăng vốn điều lệ cho SCB và bị cáo nói sẽ dùng số tiền này để khắc phục hậu quả của vụ án, đại diện SCB xác định ngân hàng đang sử dụng số tiền 5.000 tỷ đồng nói trên. Tuy nhiên đây là số tiền mà ngân hàng nhận được từ nhiều cá nhân, pháp nhân khi tăng vốn nên hiện chưa xác định cụ thể. Ngân hàng xin phép sẽ cung cấp tài liệu về vấn đề này cho HĐXX vào ngày ngày 13/11.
Mặt khác, đại diện SCB cho biết ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ từ năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận tăng vốn.
Ngoài ra, người đại diện SCB cũng giữ nguyên kháng cáo yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan và các cá nhân, pháp nhân liên quan bồi thường thiệt hại cho SCB đối với phần lãi liên quan tới 1.243 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan và đồng phạm, đồng thời tính lãi phát sinh cho đến khi các bị cáo thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường.
Cũng theo đại diện SCB, trong số 1.121 mã tài sản tòa sơ thẩm tuyên giao cho SCB xử lý, có một số tài sản (trong số 1.121 mã tài sản) tòa sơ thẩm tuyên trả về cho các cá nhân khác, như vậy là có sự chồng lấn.
Người đại diện cũng trình bày rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có 2 nghĩa vụ độc lập là bồi thường 673.000 tỷ đồng và giao 1.121 mã tài sản cho SCB xử lý. Do đó, nếu bị cáo Lan không bồi thường đủ 673.000 tỷ đồng thì cơ quan chức năng sẽ cấn trừ vào 1.121 mã tài sản.
Sau trình bày trên của bị cáo Trương Mỹ Lan và của đại diện SCB, HĐXX nghỉ giải lao.
Sau khi quay lại làm việc, HĐXX thông báo đồng ý với đề nghị của VKS cùng cấp về việc cần phải có thời gian để đánh giá cụ thể về tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan. Chủ tọa thông báo tạm ngưng phiên tòa đến ngày 15/11, đại diện VKS mới đề nghị mức án.
PV
Hà Thị Lưu Luyến