VN-Index hướng về 1.200 điểm theo chiều đi xuống là kịch bản không mong muốn nhưng đang hiển hiện trước mắt nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Sau khi đánh rơi gần 2% phiên vừa qua, chỉ số còn cách mốc 1.200 đầy "ám ảnh" chưa đến 27 điểm. Chỉ một cú sảy chân nữa, chứng sỹ sẽ lại thấy con số quen thuộc này.
Đây là một kết qủa đáng thất vọng khi trước đó rất nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi VN-Index vượt 1.300 điểm, thậm chí có những dự báo còn táo bạo hơn. Nhiều các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số có thể đạt đến vùng 1.400-1.500 điểm vào cuối năm. Lạc quan hơn, quỹ ngoại Pyn Elite Fund còn dự báo con số có thể lên đến 1.700 điểm.
Nhiều luận điểm được các bên đưa ra để bảo vệ cho dự phóng, có thể kể đến như (1) việc Fed tiến gần đến quyết định giảm lãi suất giúp giảm áp lực tỷ giá; (2) tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn được đánh giá cao và thực tế số liệu quý 2 cũng có nhiều điểm sáng; (3) những nỗ lực của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường trong quá trình nâng hạng.
Còn quá sớm để khẳng định các nhận định trên có việt vị hay không nhưng việc VN-Index nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.300 và sau đó lùi về vùng 1.200 điểm cũng phần nào gây thất vọng với nhà đầu tư. Trên thực tế, con số 1.200 là nỗi ám ảnh đã đeo bám chứng sỹ Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Trong quá khứ, VN-Index từng có thời điểm rất gần mốc 1.200 điểm vào tháng 3/2007. Thời điểm đó, chứng khoán Việt Nam còn rất sơ khai, số lượng cổ phiếu niêm yết còn ít với 107 mã và dễ bị "thổi phồng" quá đà. P/E của VN-Index theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn lên đến 73 lần.
Sau đó hơn một thập kỷ, VN-Index mới chính thức vượt 1.200 điểm lần đầu tiên vào tháng 4/2018. Đến nay chỉ số đã có 9 lần đảo qua, đảo lại mốc điểm này. Đáng chú ý, khoảng thời gian VN-Index ở trên 1.200 điểm thường rất ngắn ngủi. Lần chỉ số giữ được mức trên 1.200 lâu nhất là giai đoạn từ tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2022. Còn lại đa phần tính theo tuần.
Chiều ngược lại, VN-Index lại thường nằm khá lâu dưới mốc 1.200 điểm. Khoảng thời gian thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Lâu nhất chính là giai đoạn kể từ lần đầu chính thức vượt 1.200 vào đầu tháng 4/2018 đến đầu tháng 4/2021, tức là mất 3 năm "chứng sỹ" Việt Nam mới lại thấy mốc điểm này.
Nhìn chung, khoảng thời gian 3 tháng qua có thể coi như một "giấc mơ dài" với chứng sỹ Việt Nam. Nếu "cơn ác mộng" 1.200 điểm ập đến kéo mọi thứ trở về với thực tại cũng không phải là điều quá bất ngờ khi mọi chuyện đã diễn ra quá nhiều lần. Việc thiếu vắng những "hàng hóa" mới trên sàn, thậm chí không có quá nhiều lựa chọn chất lượng là điều khiến dòng tiền dài hạn chưa mặn mà với thị trường.
Hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn diễn ra ảm đạm và danh sách chờ cũng không có nhiều cái tên thực sự "bom tấn". Đội "dự bị" niêm yết hùng hậu nhất lại là những gã khổng lồ đang giao dịch trên UPCoM như ACV, VGI, BSR, MVN,... Dù vậy, nhóm này lại có ít nhiều vướng mắc trong khâu chuyển sàn mà không dễ giải quyết trong "một sớm, một chiều".
Không thể phủ nhận, cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự thay đổi nhất định theo hướng đa dạng hơn về mặt ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, "bộ khung" tài chính và bất động sản nhìn chung vẫn áp đảo và thực trạng này sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Quá trình thay đổi này đòi hỏi rất nhiều thời gian để những gương mặt mới vươn lên thay thế các Bluechips cũ.
Sự mất cân bằng này là một trong những rào cản lớn đối với dòng vốn dài hạn đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay cả khi được chính thức nâng hạng. Về mặt lý thuyết, chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại lên đến hàng chục tỷ USD nếu được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ tiêu chí để lọt danh mục của các quỹ ngoại quy mô lớn chuyên đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi, là không nhiều. Ngược lại, các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên khi đó sẽ bán ra lượng lớn cổ phiếu Việt Nam tạo ra áp lực không hề nhỏ.
Cộng tác viên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tam-gac-giac-mo-1300-diem-con-so-1200-am-anh-sap-tro-lai-voi-chung-sy-viet-nam-205240208000324496.htm