Tăng vọt chi phí R&D, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 trong lĩnh vực xe điện sau Mỹ

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Trung Quốc đang nảy sinh nhiều vấn đề. Các khoản trợ cấp và chính sách ưu đãi giúp thúc đẩy sự bùng nổ của loạt nhà máy đã khiến nhiều quốc gia cảnh giác khi nhập khẩu đồ ‘Made in China’.

Sự thống trị của Trung Quốc với ngành ô tô điện vốn đã bắt nguồn từ nhiều thập kỷ trước tại các phòng thí nghiệm trong trường đại học Texas, khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách chế tạo pin bằng khoáng chất dồi dào và rẻ tiền. Khám phá ban đầu tạo bệ đỡ cho các công ty từ Trung Quốc chế tạo thành công loại pin có khả năng giữ điện tích mạnh và chịu được hơn một thập kỷ sạc lại mỗi ngày. Một số lượng lớn đang được sản xuất - đáng tin cậy và không tốn kém.

Pin chỉ là một ví dụ về cách Trung Quốc vượt qua các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến về trình độ công nghệ và sản xuất tinh vi. Nước này đang đạt được nhiều đột phá trong danh sách dài các lĩnh vực, từ dược phẩm, máy bay không người lái đến tấm pin mặt trời hiệu suất cao.

Thách thức của Bắc Kinh đối với vị thế dẫn đầu về công nghệ Mỹ nắm giữ kể từ Thế chiến II được nhắc tới nhiều lần trong các lớp học. Một tỷ lệ lớn các sinh viên Trung Quốc đang theo học chuyên ngành khoa học, toán học và kỹ thuật - nhiều hơn đáng kể so với sinh viên các quốc gia. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng, ngay cả khi tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tăng hơn 10 lần kể từ năm 2000.

Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tăng vọt gấp 3 lần trong thập kỷ qua, đồng thời đưa Trung Quốc lên vị trí thứ hai sau Mỹ. Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về việc xuất bản các bài báo được trích dẫn rộng rãi trong 52/64 công nghệ quan trọng, theo Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Đào tạo và giáo dục khoa học là một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của đất nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Huai Jinpeng cho biết Trung Quốc sẽ “thực hiện các sắp xếp đặc biệt cho các ngành học và chuyên ngành cấp thiết”. “Chúng tôi sẽ thực hiện một chiến lược quốc gia để bồi dưỡng những tài năng hàng đầu”, ông nói.

Theo Bộ Giáo dục, phần lớn sinh viên đại đang theo đuổi chuyên ngành toán, khoa học, kỹ thuật hoặc nông nghiệp. 3/4 số nghiên cứu sinh tiến sĩ của Trung Quốc cũng theo học chuyên ngành này. Để so sánh, chỉ có 20% sinh viên đại học và một nửa sinh viên tiến sĩ của Mỹ thuộc các nhóm này.

Pin Trung Quốc đang dẫn đầu. Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, 65,5% các bài báo kỹ thuật được trích dẫn rộng rãi về công nghệ pin đều đến từ các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc. Hai nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới, CATL và BYD, đều đến từ đại lục.

Trung Quốc có gần 50 chương trình sau đại học tập trung vào hóa học pin hoặc chủ đề liên quan là luyện kim pin. Trong khi đó, chỉ một số ít giáo sư ở Mỹ đang nghiên cứu vẫn đề này. Hillary Smith, giáo sư vật lý pin tại Cao đẳng Swarthmore cho biết sinh viên đại học ở Mỹ chỉ mới đang bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu pin.

Nguồn gốc cho sự thành công về pin của Trung Quốc có thể thấy rõ tại Đại học Trung Nam, nơi có gần 60.000 sinh viên đại học và sau đại học. Khoa hóa học của trường, trước đây chỉ nằm trong một tòa nhà gạch nhỏ, nay đã chuyển sang tòa nhà bê tông 6 tầng khang trang. Trong phòng thí nghiệm, hàng trăm loại pin có hóa chất mới được thử nghiệm cùng lúc.

“Đối với chúng tôi, thiết bị thử nghiệm đủ để đáp ứng nhu cầu của mọi người”, Zhu Fangjun, một nghiên cứu sinh tiến sĩ cho biết.

Tăng vọt chi phí R&D, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 trong lĩnh vực xe điện sau Mỹ - Ảnh 1.

Giáo sư Peng Wenjie, thành lập một công ty nghiên cứu pin gần đó, đã tuyển dụng 200 trợ lý cùng 100 sinh viên mới tốt nghiệp chương trình tiến sĩ và thạc sĩ. Các trợ lý làm việc theo ca cho từng nhà nghiên cứu để việc thử nghiệm hóa chất và thiết kế mới diễn ra liên tục 24 giờ/ngày.

“Có rất nhiều người giúp thực hiện thử nghiệm, vì vậy hiệu quả rất cao”, Giáo sư Peng cho biết.

Chuyên môn ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, về việc có nên mời các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy hay cố gắng sao chép những gì Trung Quốc đã làm.

“Nếu Mỹ muốn xây dựng chuỗi cung ứng nhanh chóng, cách tốt nhất là mời các công ty Trung Quốc. Họ sẽ thiết lập rất nhanh chóng và mang theo công nghệ”, Feng An, người sáng lập Trung tâm Đổi mới Năng lượng và Giao thông, nói.

Sản xuất chiếm 28% nền kinh tế Trung Quốc, so với 11% ở Mỹ. Liu Qiao, hiệu trưởng Trường Quản lý Guanghua tại Đại học Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc hy vọng rằng các khoản đầu tư vào giáo dục khoa học và nghiên cứu sẽ giúp nâng cao toàn bộ nền kinh tế.

“Nếu bạn có một ngành sản xuất lớn”, ông nói, “thì rất dễ để cải thiện năng suất”.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Trung Quốc đang nảy sinh nhiều vấn đề. Các khoản trợ cấp và chính sách ưu đãi giúp thúc đẩy sự bùng nổ của loạt nhà máy đã khiến nhiều quốc gia cảnh giác khi nhập khẩu đồ ‘Made in China’.

Liên minh Châu Âu trước đó đã áp dụng thuế quan tạm thời đối với xe điện Trung Quốc. Mỹ cũng có động thái tương tự để ngăn ‘dòng lũ’ đến từ những thương hiệu đối thủ đáng gờm.

Tuy nhiên, các công ty pin của Trung Quốc đang tìm cách sản xuất tại Mỹ cho thị trường Mỹ. Robin Huang, chủ tịch kiêm nhà sáng lập CATL, cho biết chi phí xây dựng và trang bị một nhà máy sản xuất pin ô tô điện tại đây cao gấp 6 lần so với ở Trung Quốc.

Hiện Mỹ vẫn dẫn đầu về tổng chi tiêu cho nghiên cứu. Nghiên cứu và phát triển chiếm 3,4% nền kinh tế Mỹ vào năm ngoái, trong khi Trung Quốc đang ở mức 2,6%.

“Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc vượt qua Mỹ về R&D và họ có cơ sở sản xuất?”, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc, đại diện cho các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc, đặt câu hỏi.

Theo: The New York Times

Vũ Anh

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tang-vot-chi-phi-rd-trung-quoc-vuon-len-vi-tri-thu-2-trong-linh-vuc-xe-dien-sau-my-205240908144835446.htm