Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về tình hình tài chính doanh nghiệp năm 2022.
"Ông lớn" trong ngành vàng bạc đá quý này đã có một năm kinh doanh thắng lợi. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 1.016 tỷ đồng, tăng đột biến gấp 4,3 lần so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của DOJI là 6.361 tỷ đồng, tăng 19,3% so với số đầu năm. Con số này tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong khi cuối năm 2021 là 5.333 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty tại cuối năm 2022 là 1,95 (tương đương dư nợ của doanh nghiệp ở mức khoảng trên 12.403 tỷ đồng). Ở giai đoạn 2019 - 2022, mức lãi ròng của công ty này cũng chỉ từ 150 tỷ đến hơn 230 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,72 chỉ còn 0,1. Ngoài ra, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp cũng tăng lên gần 17,4%, tăng mạnh thêm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin công bố trên HNX, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.600 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng cố định cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên của các lô trái phiếu trên là 8,75%/năm.
Mới đây, công ty này đã có văn bản gửi HNX công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022.
Cụ thể, DOJI cho biết, trong năm qua đã thanh toán 110 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu vào ngày 1/4/2022. Đây là lô trái phiếu có thời hạn 36 tháng được phát hành vào ngày 31/7/2020 với tổng mệnh giá là 750 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào các ngày từ 16-26/12/2022, DOJI đã hoàn thành tất toán 2.100 tỷ đồng của 4 lô trái phiếu: DVPCH2126001, DVPCH2126002, DVPCH2126003 và DVPCH2126004.
Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994. Đến năm 2007, doanh nghiệp này chính thức đổi tên thành CTCP Vàng bạc đá quý và Đầu tư thương mại DOJI.
Giai đoạn 2006 - 2007, DOJI thâu tóm CTCP Vàng bạc đá quý Hà Nội và SJC Đà Nẵng để trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước.
Về cơ cấu, hiện tập đoàn này có 15 công ty con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán...
Bên cạnh kinh doanh vàng bạc, DOJI còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc thành lập Công ty DOJI Land năm 2014.
Công ty này hiện nắm một loạt dự án tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM bao gồm: DOJI Tower tại số 5 đường Lê Duẩn (quận Ba Đình); Ruby Plaza số 44 Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng); tòa nhà Vàng bạc Đá quý, Trang sức và Văn phòng số 214 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, Tp.HCM); Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi (quận 1).
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tap-doan-doji-bao-lai-dot-bien-von-chu-so-huu-tang-hon-1000-ty-dong-205998777.htm