Tập đoàn Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu 'đi ngang', muốn lấn sân bất động sản khu công nghiệp

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết, trong bối cảnh bất động sản truyền thống gặp khó, công ty muốn chuyển hướng bất động sản khu công nghiệp, nước sạch tại khu vực tỉnh Hưng Yên, Long An, Ninh Thuận.

CTCP Tập đoàn Hà Đô (MCK: HDG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào sáng 27/4. 

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh với doanh thu đạt 2.896 tỷ đồng, gần như tương đương với năm 2023; lợi nhuận sau thuế ở mức 972 tỷ đồng, tăng hơn 12%.

Việc đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 "đi ngang" sau khi Tập đoàn Hà Đô ghi nhận năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng âm về doanh thu. Cụ thể, doanh thu năm 2023 đạt 2.889 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 866 tỷ đồng, giảm 36%. Trước đó, doanh thu năm 2021 giảm 24% và năm 2022 giảm 31%.

Năng lượng là ngành đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu nhưng cũng tăng trưởng âm, giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 1.938 tỷ đồng trong năm 2023. Đặc biệt, mảng bất động sản suy giảm quá mạnh tới 75%, chỉ đạt 281 tỷ đồng trong năm 2023, do tập đoàn hoãn mở bán Hado Charm Villas. 

Về kế hoạch triển khai các hoạt động kinh doanh trong năm 2024, ban điều hành HDG cho biết, với lĩnh vực bất động sản, công ty sẽ hoàn thiện ý tưởng, định vị sản phẩm các dự án, công trình HH và CC3 Dịch Vọng. Hoàn thành công tác pháp lý các dự án tại Quận 6, TP HCM; dự án khu đô thị tại Thái Bình; khu đô thị tại Yên Bái. Công ty cũng đặt mục tiêu tìm kiếm mua tối thiểu 1 dự án nhà ở phù hợp trong 2024 tại khu vực TP HCM, Bình Dương.

tap-doan-ha-do-dat-muc-tieu-doanh-thu-di-ngang-muon-lan-san-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-1714236328.png
ĐHĐCĐ thường niên Tập đoàn Hà Đô diễn ra sáng 27/4. Ảnh: Phạm Ngọc

Đáng chú ý, ban lãnh đạo HDG tiết lộ sẽ chuyển hướng vào các loại hình bất động sản mới (bất động sản khu công nghiệp, nước sạch tại khu vực tỉnh Hưng Yên, Long An, Ninh Thuận) với quy mô khoảng 1.000 ha, đang được nghiên cứu lập quy hoạch.

Với lĩnh vực năng lượng, công ty dự kiến tìm mua lại các dự án thuỷ điện, điện gió có pháp lý đầu tư và hiệu quả kinh tế. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt bước nào giải quyết được nút thắt trong hoạt động phát triển các dự án năng lượng mới (các dự án công ty đang nghiên cứu phát triển đều đã được đưa vào quy hoạch). Tuy nhiên, việc chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể và cơ chế giá điện chưa rõ ràng dẫn đến việc chưa thể cụ thể hóa các mục tiêu.

Trong năm 2023, Tập đoàn cũng đã tiến hành M&A các dự án thủy điện mới, thông qua việc cho phép Công ty cổ phần ZaHưng (thành viên của Tập đoàn Hà Đô) nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng thủy điện Sơn Linh. Đây là chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sơn Nham (9MW) và Sơn Linh (15MW) thuộc tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến 2 nhà máy này sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026 - 2027.

Ngoài ra, Hà Đô còn có kế hoạch đẩy mạnh mảng đầu tư tài chính, với việc thành lập bộ phận kinh doanh chuyên biệt cho mảng này.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HDG dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Trong đó, 5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức và 10% cổ tức còn lại là cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới.

Về nhân sự, ĐHCĐ cũng đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 với cơ cấu 7 thành viên, bao gồm 5 thành viên thường trực và 2 thành viên độc lập. Thành viên HĐQT thường trực bao gồm ông Nguyễn Trọng Thông, ông Nguyễn Trọng Minh, ông Lê Xuân Long, bà Cao Thị Tâm và ông Nguyễn Hoàng Trung. Thành viên HĐQT độc lập bao gồm ông Hoàng Đình Hùng và bà Trần Thị Quỳnh Anh.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tap-doan-ha-do-dat-muc-tieu-doanh-thu-di-ngang-muon-lan-san-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-20513610.htm