Theo Quyết định 1574/QĐ-UBND ngày 20/07/2023, UBND tỉnh Thái Bình giao Liên danh CTCP Lam Sơn Invest, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A, CTCP LICOGI 13 - Nền móng Xây dựng làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hòa (TP.Thái Bình).
Khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hòa có diện tích hơn 16,1ha, trong đó diện tích đất lúa 2 vụ là gần 13,4ha (dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ lớn hơn 10ha thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định về Luật Đất đai). Quy mô dân số dự kiến 1.188 người. Dự án cung cấp 296 căn nhà ở thấp tầng, 241 căn nhà ở liên kế, 56 căn biệt thự.
Tổng mức đầu tư dự án là 655,3 tỷ đồng; trong đó, chi phí thực hiện 585,8 tỷ đồng; giá trị bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 69,4 tỷ đồng. Ngoài ra còn có giá trị nộp ngân sách Nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư là 48,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 52 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định giao đất, dự tính từ quý II/2023 - quý IV/2028.
Ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, liên danh này đã nhanh chóng góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án là CTCP Eco Lake Thái Bình vào tháng 8/2023 để triển khai dự án.
Eco Lake Thái Bình có vốn điều lệ 28 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Cơ cấu cổ đông gồm: Công ty Đông A (42,5%), Lam Sơn Invest (42,5%) và LICOGI 13 - Nền móng Xây dựng (15%).
Ông Nguyễn Như Kiên là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngoài ra, ông Kiên còn là Tổng Giám đốc Lam Sơn Invest.
Trong số các công ty thuộc liên danh, cũng cần phải nhắc đến Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A.
Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2008, do ông Trần Văn Trà làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 85 tỷ đồng, trong đó, CTCP Tập đoàn Hương Sen (đại diện ông Trần Văn Sen) nắm 86% vốn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 6/2024), Tập đoàn Hương Sen và ông Trần Văn Sen đã thoái toàn bộ vốn tại Đông A. Lúc này, cổ đông của doanh nghiệp chỉ còn ông Trần Văn Trà và bà Trần Kim Chi với tỷ lệ 50:50. Tuy nhiên, trên thực tế, Đông A và Hương Sen vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi ông Trần Văn Trà và bà Trần Kim Chi được biết đến là 2 người con của doanh nhân Trần Văn Sen.
Tập đoàn Hương Sen tiền thân là tổ hợp dệt nhuộm cao cấp Tân Phương, ra đời năm 1981. Sau nhiều thay đổi, đến năm 2009, doanh nghiệp lấy tên là CTCP Tập đoàn Hương Sen như hiện nay; hoạt động đa ngành, từ dệt may, bao bì, sản xuất đồ uống đến bất động sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn và đầu tư các khu công nghiệp thông qua các công ty thành viên như: CTCP Tập đoàn Thương mại Toàn cầu Hương Sen (xuất nhập khẩu), CTCP Pushmax (sản xuất đồ uống), Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hương Sen - Đại Việt (sản xuất bia); CTCP Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Hương Sen Đại Việt, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Đô Thị Hưng Quốc (bất động sản);...
Hương Sen được biết đến là chủ sở hữu thương hiệu Bia Đại Việt đình đám trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Doanh nhân Trần Văn Sen (SN 1940) hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.
Tại thời điểm tháng 10/2017, công ty có vốn điều lệ 233 tỷ đồng; trong đó, ông Trần Văn Sen sở hữu 41%, bà Lê Thị Báp nắm giữ 20%, các con của ông Sen gồm: Trần Văn Trà, Trần Thị Ngọc Bích, Trần Thị Hoài, Trần Kim Chi, Trần Văn Công, Đỗ Văn Vẻ mỗi người sở hữu 6,5%. Tháng 7/2023, doanh nghiệp nâng vốn lên 315 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố.
Đáng chú ý, theo Danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (Ban hành kèm theo Thông báo số 5459/TB-CTTBI ngày 1/10/2024 của Cục Thuế tỉnh Thái Bình) mà Cục Thuế tỉnh Thái Bình công bố, Tập đoàn Hương Sen cũng bị "điểm tên" với số tiền thuế nợ đến thời điểm 31/8/2024 lên tới hơn 230,5 tỷ đồng (tiền chậm nộp).
PV
Phạm Thị Tâm