Hôm nay, M Village đã thông báo về việc hoàn tất các thủ tục và ký kết hợp đồng về việc đầu tư vốn cổ phần của Trip.com vào DN. Sau khi hoàn tất giao dịch, Trip.com sẽ trở thành cổ đông thiểu số trong Công ty.
Đại lý du lịch online (OTA) Trip.com được thành lập bởi Travis Katz và Ori Zaltzman vào năm 1999 tại Mỹ, sau đó họ đã trải qua 3 vòng gọi vốn với tổng số tiền khoảng 39 triệu USD. Năm 2017, Trip.com được Ctrip.com (cũng thành lập năm 1999) – DN hoạt động cùng ngành lớn nhất tại Trung Quốc lúc đó mua lại, với mức giá không được tiết lộ. Mục tiêu của Ctrip là muốn biến Trip.com trở thành flagship của họ bên ngoài Trung Quốc.
Sau khi mua lại rất nhiều DN cùng ngành trên khắp thế giới, năm 2019, Ctrip.com đổi tên thành Tập đoàn Trip.com. Hiện Tập đoàn này đang sở hữu và quản lý các OTA cũng như DN du lịch hàng đầu thế giới như Trip.com, Skyscanner, MakeMyTrip, TrainPal, Travix… Tập đoàn Trip.com hiện có 45.000 nhân viên và hoạt động trên 200 quốc gia – vùng lãnh thổ, có 400 triệu người dùng trên khắp toàn cầu.
Trong năm 2023, doanh thu thuần của Trip.com đạt 6,3 tỷ USD: dịch vụ đặt phòng mang về 2,4 tỷ USD, dịch vụ đặt các phương tiện di chuyển như máy bay tàu xe mang về 2,6 tỷ USD, dịch vụ đặt tour du lịch mang về 442 triệu USD…
Koru Capital đóng vai trò cố vấn tài chính độc quyền cho M Village trong thương vụ này. Trước đó, Koru Capital cũng là người cố vấn và hỗ trợ cho chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Hasaki và chuỗi nha khoa Parkway trong deal nhận đầu tư từ lần lượt từ Alibaba - 24HMoney.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của M Village, bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng: với sự tham gia của Trip.com, M Village sẽ có thêm những hỗ trợ to lớn, thúc đẩy công ty đạt được những cột mốc mới và lớn hơn.
Đối với chúng tôi, đầu tư cổ phần chỉ là bước đầu tiên. Nó biểu thị sự tin tưởng mà các nhà đầu tư đã đặt vào chúng tôi và nhấn mạnh trách nhiệm của chúng tôi trong việc nâng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Cam kết này nâng cao tầm nhìn của chúng tôi trong việc xây dựng M Village trở thành nhà kiến tạo không gian sống và lưu trú thế hệ mới hàng đầu tại Việt Nam".
Theo chia sẻ từ M Village, hiện hệ thống của họ có hơn 1.000 phòng trên hơn 30 địa điểm khắp Việt Nam. Kể từ khi thành lập, M Village đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, doanh thu tăng hơn 30 lần và mới đây họ đã mở rộng thị trường ra Hà Nội. M Village cung cấp giải pháp lưu trú dài hạn và ngắn hạn, phục vụ nhiều phân khúc giá từ bình dân đến tầm trung.
Nhắm mục tiêu đến khách hàng thuộc thế hệ Millennial, M Village nhấn mạnh việc mang lại trải nghiệm sống hiện đại thông qua việc thiết kế không gian ở đó khách hàng có thể cảm nhận gần gũi như ở nhà tại các khách sạn của mình.
Vậy nên, DN thường ưu tiên tích hợp công nghệ trong hoạt động của mình, gần đây đã cập nhật ứng dụng di động để cho phép đặt chỗ trực tiếp và kết hợp thêm các tính năng dành cho khách hàng thân thiết. Cam kết tận dụng công nghệ này nhấn mạnh sự xem trọng đặc biệt của M Village trong việc liên tục nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Ninh : quan hệ đối tác chiến lược giữa Trip.com và M Village sẽ thúc đẩy giá trị kinh doanh và hiệu quả chi phí trong các hoạt động cốt lõi của M Village. Ngoài ra, kinh nghiệm sâu rộng về công nghệ của Trip.com sẽ hỗ trợ M Village tăng cường tích hợp công nghệ trong các hoạt động quản lý cơ sở kinh doanh của mình.
Lĩnh vực lưu trú dài hạn và khách sạn tại Việt Nam trị giá 4,9 tỷ USD đang nhanh chóng phục hồi sau tác động xấu của Covid-19. Phân khúc này hiện đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp, với Millennials và GenZ đang nổi lên là nhóm chi tiêu chính. Những nhóm nhân khẩu học này thích sự linh hoạt giữa thời gian lưu trú dài hạn và ngắn hạn và đang thúc đẩy xu hướng lưu trú mới như blei-sure và staycation.
Tập đoàn Trip.com, bằng nhiều cách khác nhau đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu, nhưng không chính thức. Phải từ đầu năm 2024, cái tên Trip.com mới dần xuất hiện tương đối nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam.
Vào tháng 5/2024, Trip.com công bố thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược mới với Vinpearl nhằm mục đích quảng bá các bất động sản - điểm du lịch của Vinpearl thông qua các chiến dịch tiếp thị và quảng bá. Đặc biệt, Tập đoàn Trip.com sẽ là kênh quảng bá chính cho Vinpearl tại các thị trường chọn lọc, bao gồm Trung Quốc.
Sự hợp tác này được xây dựng dựa trên mối quan hệ thành công được thiết lập vào năm 2016, với tất cả cơ sở kinh doanh của Vinpearl hiện có thể được đặt qua nền tảng của Tập đoàn Trip.com.
Chiều 16/1/2204 (giờ địa phương), tại Davos - Thụy Sĩ, nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Jane Sun - Giám đốc điều hành Tập đoàn Trip.com.
Theo đó, bà Jane Sun tiết lộ rằng tập đoàn đang muốn tìm cơ hội đầu tư, tham gia và mở rộng thị trường du lịch tại Việt Nam. Nhân đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Tập đoàn ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào mạng lưới của Trip.com, để họ có cơ hội tiếp cận khách hàng trên phạm vi toàn cầu, qua đó đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường du lịch tại Việt Nam.
Cũng giữa tháng 1/2024, Tập đoàn Trip.com đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với hãng hàng không Vietjet nhằm tận dụng chuyên môn và nguồn lực của cả hai bên giúp du khách trên toàn thế giới đi lại dễ dàng và thuận tiện hơn...
"Trong khoảng 2 - 4 năm qua, Trip.com đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Năm nay, chúng tôi tập trung phát triển ở Việt Nam. Với cam kết ưu tiên sự hài lòng của khách hàng, Tập đoàn Trip.com và Vietjet mong muốn sẽ cùng tạo ra trải nghiệm du lịch xuyên suốt, cung cấp đầy đủ nội dung, sản phẩm du lịch và ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.
Đáng chú ý, trước đại dịch Covid-19, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách Trung Quốc, đặc biệt là các điểm đến như TP.HCM, Hội An, Phú Quốc. Thông qua việc hợp tác với Vietjet, chúng tôi mong muốn sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đến Việt Nam", ông Yudong Tan – CEO Flight Business Group của Tập đoàn này chia sẻ với báo giới trong sự kiện nói trên.
Ông Yudong Tan cũng thông tin thêm: hiện Trip.com đã có web bằng tiếng Việt, nhưng chưa thực sự tối ưu và họ cần phải cải thiện dần trong tương lai. Họ đã có tổng đài hỗ trợ bằng tiếng Việt, nhưng trung tâm này đặt ở Thương Hải. Nếu hoạt động kinh doanh của Trip.com tốt hơn, họ sẽ mở trung tâm hỗ trợ đặt tại Việt Nam.
"Chúng tôi nhận thấy rằng thị trường du lịch Việt Nam có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thách thức đối với chúng tôi đó là việc cần phải hiểu sâu sắc về thị trường địa phương", CEO Flight Business Group của Tập đoàn Trip.com kết luận.
Theo ông Yudong Tan, thị trường OTA của Việt Nam hiện đang có rất nhiều "tay chơi" cả trong và ngoài nước đang hoạt động sôi nổi. Tiêu biểu có thể kể đến Traveloka, Booking.com, Agoda, Expedia, iVivu, Tugo…
Dù thế, Trip.com cũng có những điểm mạnh khác biệt mà những đối thủ lớn đi trước như Traveloka hay Booking.com phải dè chừng. Đầu tiên, họ đang là số 1 trong lĩnh vực OTA tại Trung Quốc mà Trung Quốc lại là thị trường du lịch rất hấp dẫn với người dân Việt Nam và ngược lại. Thứ hai, xét về nguồn lực tài chính và sức mạnh công nghệ, họ không hề thua bất cứ ai - nếu không muốn nói là tốt nhất thế giới.
Minh chứng dù mới tập trung phát triển mạnh ở thị trường Việt đầu năm 2024, nhưng theo bảng xếp hạng OTA được yêu thích nhất Việt Nam quý I/2023 do The Outbox Company công bố, 5 vị trí dẫn đầu đều thuộc về những cái tên FDI, lần lượt là Traveloka, Booking.com, Agoda, Expedia và Trip.com.
Mặt khác, theo kết quả một cuộc khảo sát được Q&Me công bố vào năm 2021, Traveloka là OTA được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam, chiếm 42%; đứng ở các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lần lượt là Agoda (39%) và Booking.com (38%). Vậy nên, nếu muốn dẫn dắt thị trường Việt Nam như đã làm được ở Trung Quốc và nhiều thị trường khác, Trip.me vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cộng tác viên