Tập đoàn Sơn Hải trả lương thưởng lái xe ben, xe ủi hơn 300 triệu một năm đang được ngân hàng nào cấp vốn?

Những cam kết bảo hành lên tới 10 năm cùng với tiến độ thi công nhanh chóng khiến cho dư luận và giới quan sát đặt ra câu hỏi: "Bệ đỡ" tài chính của Tập đoàn Sơn Hải vững vàng tới cỡ nào?!.

Tập đoàn Sơn Hải đang được ngân hàng nào bơm vốn?- Ảnh 1.

Một đoạn đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công. (Ảnh: Báo Công Luận)

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thời gian gần đây đã gây chú ý khi là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam có cam kết bảo hành chất lượng 5 đến 10 năm tại các công trình thi công, xây dựng đường giao thông, dự án thủy điện.

Mới đây nhất, trong ngày 5/1/2024, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải, đề nghị ký phụ lục hợp đồng để tăng thời gian bảo hành công trình từ 2 năm lên 10 năm phần thi công cao tốc trong gói thầu XL02 đoạn Vân Phong – Nha Trang (trong dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2) do doanh nghiệp này đảm nhận.

Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu được dư luận chú ý từ năm 2014 khi tham gia dự án mở rộng quốc lộ 1A. Lúc bấy giờ, các đoạn đường thường chỉ được các nhà thầu bảo hành 2 năm, nhưng riêng Sơn Hải đã tuyên bố bảo hành tới 5 năm cho 2 gói thầu mà mình thực hiện, là gói thầu số 10 và gói thầu số 14 dài 15km đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Thậm chí, Sơn Hải còn cắm biển "bảo hành 5 năm" dọc các tuyến đường "để người dân tham gia giao thông cùng giám sát".

Không chỉ tuyên bố bảo hành lâu hơn so với quy định, năm 2015 Tập đoàn Sơn Hải còn cam kết nếu hằn lún vượt mức cho phép thì sẽ khắc phục bằng phương pháp bóc toàn bộ lên làm lại, không bù lún theo cách mất mỹ quan hay bù lún đơn lẻ như cách mà các nhà thầu khác từng thực hiện. Từ cam kết này, Bộ Giao thông Vận tải đã nâng mức bảo hành 2 năm lên 4 năm đối với tuyến quốc lộ 1A.

Trên thực tế, tại hai gói thầu số 10 và 14 do Sơn Hải thi công, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, đoạn đường vẫn không hề xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, trong khi cùng khoảng thời gian đó, nhiều gói thầu khác đã ghi nhận hiện tượng này.

Cuối năm 2022, Tập đoàn Sơn Hải lại một lần nữa "chơi lớn" khi cam kết bảo hành 10 năm và Nhà nước sẽ không cần chi bất cứ một khoản tiền gì trong thời gian bảo hành.

Một trong những dự án gần đây được coi là kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải do tập đoàn này thực hiện là Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài tuyến 49,1km, điểm đầu tại huyện Diên Khánh, đi qua địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT.

Dự án được khởi công vào tháng 9/2021 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai tháng vào tháng 9/2023. Tập đoàn Sơn Hải đã làm nên kỳ tích khi đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023, vượt tiến độ 3 tháng.

Những cam kết bảo hành cùng với tiến độ thi công nhanh chóng khiến cho dư luận và giới quan sát đặt ra câu hỏi: "Bệ đỡ" tài chính của Tập đoàn Sơn Hải vững vàng tới cỡ nào?!.

Những ngân hàng nào đang cho Tập đoàn Sơn Hải vay vốn?

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, tiền thân là Công ty TNHH Sơn Hải được thành lập năm 1998, trụ sở chính tại số 117 đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn là xây dựng nhà ở các loại, công trình đường sắt, đường bộ, kinh doanh bất động sản, san lấp mặt bằng. Đây là một doanh nghiệp xây dựng có tiếng tại Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2023, vốn điều lệ của Sơn Hải ghi nhận ở mức 2.366 tỷ. Trong đó, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên nắm 99,912%, còn ông Lê Thanh Hướng – Giám đốc nắm 0,088% vốn điều lệ.

Bên phía vốn vay, Tập đoàn Sơn Hải hiện đang có dự nợ gần 1.894 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng, tất cả đều là nợ nhóm 1 – Nhóm nợ tốt nhất.

Trong đó, BIDV - Chi nhánh Quảng Bình hiện cho tập đoàn này vay hơn 936 tỷ đồng, bao gồm hơn 569 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 368 tỷ đồng nợ dài hạn; VietinBank  – Chi nhánh Quảng Bình cho vay hơn 760 tỷ đồng, tất cả đều là nợ ngắn hạn.

Ngoài hai ngân hàng trên, Tập đoàn Sơn Hải cũng có dư nợ vay tại 3 công ty tài chính gồm: Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (hơn 89 tỷ đồng), Công ty Tài chính Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (13,6 tỷ đồng) và Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (94,2 tỷ đồng).

Về tình hình kinh doanh, năm 2023 được coi là một năm thành công của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Theo đó, tập đoàn này liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn và đạt được mốc doanh thu lên tới gần 4.000 tỷ đồng

Trong buổi tổng kết cuối năm 2023, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cũng cho biết doanh nghiệp không nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm và nợ quá hạn ngân hàng. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động của tập đoàn đã tăng hơn so với năm 2022, lên tới 24 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, người có thu nhập thấp nhất ở tập đoàn Sơn Hải là công nhân lái máy lu với số tiền là hơn 270 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Viết Hải cũng tiết lộ rằng, bên cạnh khoản thu nhập được thanh toán đúng hạn, Tập đoàn Sơn Hải còn trích gần 60 tỷ đồng tiền thưởng cho cán bộ, nhân viên trong năm 2023.

Quốc Thụy

Quốc Thụy

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tap-doan-son-hai-tra-luong-thuong-lai-xe-ben-xe-ui-hon-300-trieu-mot-nam-dang-duoc-ngan-hang-nao-cap-von-2059408.htm