Taxi Xanh SM 'phả hơi nóng', Vinasun báo lợi nhuận giảm một nửa trong quý 4/2023

Lũy kế năm 2023, hãng taxi này ghi nhận doanh thu tăng 12% so với năm 2022, đạt 12.219 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lại giảm 18,2% còn hơn 150 tỷ đồng.

Taxi Xanh SM 'phả hơi nóng', Vinasun báo lợi nhuận giảm một nửa trong quý 4/2023 - Ảnh 1.

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước xuống còn gần 278 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ ghi nhận 52,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm gần 40%.

Các chi phí khác không có nhiều thay đổi. Kết quả, Vinasun thu về hơn 25 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước. EPS giảm từ 815 đồng về còn 369 đồng. 

Trên thực tế, lợi nhuận của công ty này đã bắt đầu giảm từ quý 2/2023 dù doanh thu chưa cho thấy xu hướng đi xuống một cách rõ ràng do có đột biến trong quý 3. Quý 2/2023 cũng trùng với thời điểm hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra mắt tại thị trường Tp.HCM.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở hãng taxi, một "đối thủ" lớn tại thị trường miền Nam báo lợi nhuận giảm phân nửa - Ảnh 2.

Taxi Xanh SM 'phả hơi nóng', Vinasun báo lợi nhuận giảm một nửa trong quý 4/2023 - Ảnh 3.

 

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, dù doanh thu giảm hơn 14,4% trong quý 4/2023, công ty vẫn duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho các tài xế lái xe và đối tác, điều này dẫn đến kết quả kinh doanh của công ty trong quý 4/2023 đã giảm so với quý 4/2022.

Năm 2017, khi bắt đầu cuộc chiến với taxi công nghệ, Vinasun đã chuyển dần sang mô hình “hợp tác kinh doanh thương quyền” để giảm áp lực vận hành, giảm chi phí khấu hao và chi phí nhân sự. Theo đó, với phí thương quyền 11 triệu đồng/năm, ký quỹ 12 triệu đồng ban đầu, tài xế hợp tác với Vinasun nhận mức chiết khấu 15,5% doanh thu hàng ngày, được khai thác hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay và được hỗ trợ thủ tục đổi màu xe của họ.

Mô hình này đã giúp cho lợi nhuận gộp của Vinasun cải thiện từ năm 2018 - 2019 và có bước nhảy vọt trong năm 2022 lên 27% - cao gần gấp đôi khoảng thời gian trước năm 2017.

Mặc dù có những ý kiến cho rằng việc hợp tác kinh doanh thương quyền đã khiến chất lượng dịch vụ của Vinasun đi xuống, nhưng có lẽ mô hình này đem lại những lợi ích cho Vinasun đủ để Ban điều hành công ty quyết định đẩy mạnh triển khai việc chuyển nhượng xe dưới hình thức trả chậm cho tài xế để kinh doanh taxi theo phương thức thương quyền.

Hãng cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ gọi xe. Theo số liệu năm 2022, lượng đặt app tăng trưởng đột biến, từ bình quân 2.691 lượt/ngày lên 17.022 lượt/ngày, tương đương trung bình mỗi phút Vinasun có gần 12 lượt đặt app.

Mặc dù vậy, năm 2023 cho thấy một bức tranh khó khăn hơn khi lũy kế năm 2023, Vinasun vẫn ghi nhận doanh thu tăng 12% so với năm 2022, đạt 12.219 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước còn hơn 150 tỷ đồng. Như vậy hãng taxi này cũng không hoàn thành được mục tiêu đạt hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra từ đầu năm. 

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vinasun đạt 1.653 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn tài sản của công ty này là sản sản cố định ở mức 1.051 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu của Vinasun đạt mức 1.167 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu ở mức 678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 133 tỷ đồng. Nợ vay tài chính của doanh nghiệp ở mức gần 290 tỷ đồng. 

Trọng Hiếu

Trọng Hiếu

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/taxi-xanh-sm-pha-hoi-nong-vinasun-bao-loi-nhuan-giam-mot-nua-trong-quy-42023-2058844.htm