Tại Pattaya, Thái Lan, du khách xuống tàu tại bến Bali Hai có thể gọi taxi hoặc chen chúc trong một chiếc songthaew - dòng bán tải cải tiến. Đây là sản phẩm nằm trong đợt ra mắt thử nghiệm xe tải điện mới của Toyota Motor nhằm mục đích khuấy động thị trường xe bán tải tại Thái Lan.
Hilux Revo-e là chiếc xe bán tải chạy bằng điện đầu tiên của hãng. Toyota, vốn đang chịu áp lực từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại Thái Lan, đã tuyên bố sẽ sản xuất Hilux Revo-e tại quốc gia này vào cuối năm 2025 cũng xuất khẩu xe. Đối thủ Nhật Bản của hãng là Isuzu Motors cũng có kế hoạch sản xuất xe bán tải chạy bằng điện D-Max tại Thái Lan và từ năm sau sẽ bắt đầu xuất khẩu.
Thái Lan là một trong những thị trường lớn nhất thế giới về xe bán tải. Những chiếc 1 tấn, được sử dụng để vận chuyển nông sản và hàng hóa, chiếm gần một nửa tổng doanh số bán xe tại quốc gia này. Toyota và Isuzu chi phối phần lớn thị phần.
Kế hoạch ra mắt xe tải hybrid từ nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Great Wall Motor (GWM) và màn gia nhập tiềm năng của Geely Holding, BYD đã khiến các công ty Nhật Bản phải chú ý, theo Hajime Yamamoto, một nhà phân tích ô tô tại Viện nghiên cứu Nomura ở Bangkok.
“Các thương hiệu Trung Quốc muốn có sự hiện diện lớn hơn tại thị trường Thái Lan. Xe du lịch chỉ chiếm một nửa thị trường. Họ muốn phải tham gia vào thị trường xe bán tải”, ông nói. “Toyota và Isuzu có các trung tâm sản xuất lớn tại Thái Lan, xuất khẩu sang EU và các nơi khác. Dù sao thì họ cũng cần phải sản xuất xe tải điện”.
Thái Lan từ lâu đã trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô tô do các thương hiệu Nhật Bản thống trị, trong đó có Toyota và Honda Motor. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu chuyển đổi 30% sản lượng hàng năm thành xe điện vào năm 2030, đồng thời đưa ra các ưu đãi và giảm thuế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, dẫn đầu là BYD và GWM, đã cam kết đầu tư hơn 1,4 tỷ USD cho các cơ sở sản xuất xe điện trong nước. Họ cũng nhanh chóng dẫn đầu lĩnh vực xe chở khách chạy bằng điện tại Thái Lan.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã chậm chân trong việc sản xuất xe điện. Hơn nữa, quá trình sản xuất xe tải điện khó khăn hơn so với ô tô điện bởi chúng đòi hỏi pin lớn hơn, giá cao hơn. Đây cũng là điều mà người tiêu dùng Thái Lan có thể không muốn chi trả, Yamamoto cho biết.
“Đây là một thị trường rất khác biệt, vì người dùng nhạy cảm hơn nhiều về giá”, ông nói. “Thêm vào đó, hầu hết người dùng xe bán tải đều sử dụng xe cho những quãng đường dài và chở hàng nặng. Vùng nông thôn rất ít cơ sở sạc. Xe điện chiếm khoảng 10% doanh số bán xe chở khách. Xe bán tải sẽ rất khó đạt được con số này”.
Hiện các nhà sản xuất ô tô vẫn chưa tiết lộ chiến lược định giá đối với xe tải điện. Sự suy thoái kinh tế rộng lớn đã ảnh hưởng đến sản lượng xe. Trong 5 tháng đầu năm, các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan chỉ sản xuất 394.321 xe bán tải nhỏ gọn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ nhóm vận động hành lang Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho thấy. Sản lượng cho thị trường trong nước cũng đã giảm gần 50% so với năm ngoái xuống còn 87.786 xe bán tải trong cùng kỳ.
Toyota và Isuzu, với nhiều thập kỷ kinh nghiệm bán xe bán tải tại Thái Lan, có mạng lưới phân phối lớn cả ở các vùng nông thôn. Ra mắt xe điện theo đó được coi như một tiến trình tự nhiên, theo Nithi Thuamprathom, người sáng lập ấn phẩm nổi tiếng Autolife Thailand.
“Đây là những thương hiệu có uy tín lớn về xe bán tải”, ông nói. Nhưng với xe tải điện, tất cả sẽ phụ thuộc vào phạm vi hoạt động. “Chúng càng chở nặng, pin càng hết nhanh. Cơ sở hạ tầng như trạm sạc vẫn chưa được phát triển đầy đủ”.
Hiện có khoảng 10.000 ổ cắm sạc tại chưa đầy 3.000 địa điểm trên khắp Thái Lan, tập trung chủ yếu ở các thành phố. Đối với Bussaba Nakpipat, người nông dân trồng sầu riêng ở thị trấn Chanthaburi phía đông, đây là vấn đề lớn.
Bussaba và gia đình cô thường vận chuyển hàng trên chiếc xe tải Toyota Hilux và xe bán tải Mitsubishi. Tất cả đều chạy bằng động cơ diesel. Họ phải lái xe đường dài nhiều giờ mỗi ngày, vì vậy, việc chuyển sang xe tải chạy hoàn toàn bằng điện là không khả thi.
“Có những ngày tôi phải đi nhiều chuyến. Lúc tôi xếp hàng tại trung tâm phân phối, không có trạm sạc nào xung quanh”, Bussaba nói. “Tôi trả 500 baht (14 USD) cho một bình dầu diesel và biết rằng khi chúng cạn, tôi luôn có thể tìm một trạm xăng khác”.
Yamamoto cho biết những khách hàng như Bussaba có thể sẽ chuyển sang xe tải hybrid trước tiên để vượt qua “nỗi lo về phạm vi hoạt động”. Để giành được lòng tin của họ, Toyota và Isuzu sẽ phải thử nghiệm xe trong các điều kiện khác nhau, theo Surapong Paisitpatanapong, phó chủ tịch FTI.
“Các bài kiểm tra phải được thực hiện rộng rãi vì xe bán tải được sử dụng để chở hàng hóa, thường là rất nặng”, ông nói. “Họ phải tự tin rằng chúng hoạt động tốt như các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu”.
Chính vì vậy, dự án thí điểm của Toyota tại Pattaya nhằm mục đích thử nghiệm xe bán tải điện trong nhiều điều kiện đường xá và nhiệt độ khác nhau. Một chiếc songthaew, có hai hàng ghế ở phía sau, có thể chở khoảng 10–12 người.
Theo Rest of World, dự án thí điểm là một phần trong thỏa thuận giữa Toyota và chính quyền Pattaya nhằm thử nghiệm 12 xe tải Hilux Revo-e cho đến tháng 12 năm 2025. Để đạt được mục tiêu giảm khí thải, thành phố này sẵn sàng chuyển đổi toàn bộ hoặc hầu hết trong số gần 700 chiếc songthaew sang xe điện, Thị trưởng Poramet Ngampichet nói với Rest of World . “Chúng tôi đặt mục tiêu biến Pattaya thành một thành phố xanh, mặc dù hiện tại có rất ít trạm sạc”.
Đối với tài xế xe songthaew Chai, lái xe bán tải điện đồng nghĩa với rất nhiều thay đổi. Anh phải sạc xe qua đêm tại một trạm công cộng và phí sạc khá cao.
“Tôi không phải chi 500 baht cho dầu diesel nhưng phải liên tục kiểm tra pin nếu cần đi một quãng đường dài vào ngày hôm đó”, Chai nói.
“Xe điện không phải là câu trả lời cho công việc của tôi”, Bussaba nói. “Tôi không có lý do gì để mạo hiểm”.
Theo: Rest of World
Cộng tác viên