Một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới cho biết sẽ loại bỏ các sản phẩm của PepsiCo khỏi kệ hàng để phản đối cái mà họ gọi là "mức tăng giá không thể chấp nhận được" của gã khổng lồ này. Đây được cho là một sự đối đầu công khai hiếm hoi giữa một hãng bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm lớn sau hơn hai năm liên tiếp tăng giá các sản phẩm.
Carrefour – đơn vị điều hành hàng nghìn cửa hàng tại hơn 30 quốc gia cho biết họ sẽ ngừng bán Pepsi, Doritos và các sản phẩm khác ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ. Người phát ngôn của công ty của Pháp cho biết hôm thứ năm rằng họ đã quyết định sẽ dán thêm ghi chú lên các kệ hàng để giải thích những thay đổi cho khách hàng.
Các ghi chú được phóng viên WSJ ghi lại cho biết công ty không còn bán các mặt hàng như khoai tây chiên Lay's, Doritos và Cheetos, đồ ăn nhẹ Benenuts, Alvalle gazpacho, trà Lipton, Pepsi, nước ngọt 7 Up và thực phẩm Quaker.
Người phát ngôn của PepsiCo cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận với Carrefour trong nhiều tháng và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác một cách thiện chí để cố gắng đảm bảo rằng các sản phẩm của chúng tôi luôn có sẵn". Người này từ chối bình luận thêm.
Vào tháng 10, giám đốc tài chính của PepsiCo là Hugh Johnston nói với The Wall Street Journal rằng mức tăng giá sản phẩm sẽ chậm lại vào năm 2024 và sẽ gần bằng với tỷ lệ lạm phát chung. Đợt giảm giá này diễn ra sau hai năm PepsiCo tăng giá mạnh các mặt hàng nước giải khát, đồ ăn nhẹ và thực phẩm đóng gói.
Công ty dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý mới nhất vào tháng tới, dự báo tăng trưởng lợi nhuận là 13% và tăng trưởng doanh thu là 10% cho năm 2023, không bao gồm các tác động về tiền tệ.
Thông qua đại dịch Covid-19, một số công ty đã tự hào "khoe" về khả năng tăng giá mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng như một dấu hiệu của sức mạnh thương hiệu. Johnston đã nói rằng các sản phẩm của PepsiCo thu hút nhiều người mua sắm và mọi người có xu hướng yêu thích các mặt hàng như khoai tây chiên và nước ngọt như những đồ dùng xa xỉ với giá cả phải chăng ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Các nhà điều hành siêu thị ở Mỹ cũng đã phát đi tín hiệu lo ngại về việc tăng giá ở một số mặt hàng, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát chung đã chậm lại. Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon cho biết vào tháng 11 rằng: "Chúng ta có thể phải vượt qua giai đoạn giảm phát trong những tháng tới. Mặc dù điều đó sẽ gây thêm áp lực cho Walmart nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vì như vậy sẽ tốt hơn cho khách hàng".
Châu Âu chiếm khoảng 14% - tương đương khoảng 9 tỷ USD doanh thu toàn cầu của PepsiCo trong 9 tháng đầu năm 2023. Nhà phân tích Callum Elliott của Bernstein ước tính rằng các cửa hàng Carrefour ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm 0,25% doanh thu toàn cầu của PepsiCo.
Tại Pháp, lạm phát giá thực phẩm tăng lên hai con số vào năm 2022 và đạt gần 16% vào tháng 3/2023. Vào tháng 12, giá thực phẩm đã tăng 7,1% trong 12 tháng qua. Chính phủ Pháp cũng chỉ trích các nhà sản xuất lớn và cho biết sẽ buộc họ phải giảm giá.
Quyết định của Carrefour đối với các sản phẩm của PepsiCo được đưa ra khoảng 4 tháng sau khi nhà bán lẻ này bắt đầu dán nhãn cho các sản phẩm mà họ tuyên bố là có thể bị Shrinkflation - khi số lượng sản phẩm trong bao bì giảm đi nhưng giá bán lẻ không thay đổi. “Mục đích của chúng tôi là khiến các nhà sản xuất xem xét lại chiến lược về giá của họ”, giám đốc truyền thông Stefen Bompais của Carrefour khi ấy nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, để khiến người tiêu dùng khó nhận ra, các hãng sản xuất rất cẩn trọng trong việc giảm đơn vị sản phẩm.
Họ có thể giữ nguyên kích cỡ nhưng chỉ giảm nhẹ về trọng lượng, qua đó khiến khách hàng không biết rằng mình đang mua cùng số tiền nhưng ít hàng hơn.
Đồng quan điểm, hãng bán hàng trực tuyến Britsuperstore dùng số liệu phân tích của "Money Saving Expert" cho biết người Anh đang phàn nàn khá nhiều về chocolate, tiếp đó là phô mai, sữa khi kích cỡ sản phẩm thay đổi, không đúng như trước nữa.
Ví dụ thanh kẹo chocolate của Cadbury Dairy Milk đã giảm từ 200gr xuống còn 180gr, hộp sữa chua Corner của hãng Muller giảm từ 130gr xuống còn 124gr, gói bánh chocolate Maryland của hãng Biscuit Company giảm từ 230gr xuống còn 200gr.
Hộp kem Tillamook giảm khối lượng từ 56oz xuống còn 48oz, trong khi gói Bim bim Doritos của Pepsi cũng giảm số lượng, còn hãng Domino’s Pizza cũng giảm bớt số cánh gà trong combo thực đơn mang về.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence cho biết, với chi phí ngày càng tăng, điều thường thiếu là sự minh bạch trước những thay đổi tiềm ẩn, tạo cơ hội cho cảm giác bất công khi xảy ra tình trạng Shrinkflation.
Theo: WSJ
Phương Linh