CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (MCK: PAP) được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng hợp cảng Phước An. Cổ đông sáng lập ban đầu gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN chiếm 79,54% (tương đương 350 tỷ đồng); Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) chiếm 17,05% (tương đương 75 tỷ đồng) và các cổ đông cá nhân chiếm 3,41%.
Cảng Phước An nằm bên sông Thị Vải, có vị trí thuận lợi, với chiều dài tuyến luồng vào cảng khoảng 40km, độ sâu trung bình 15m, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải đến 80.000 tấn lưu thông an toàn. Cảng là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m. Chiều sâu mực nước trung bình -15 m, có 06 bến container đáp ứng tàu 60.000 DWT và 04 bến tổng hợp đáp ứng tàu 60.000 DWT. Công suất cảng 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng diện tích lên đến 555,24 ha, được đánh giá là một lợi thế rất lớn so với các cảng khác trong khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước.
Lợi thế của khu dịch vụ cảng không chỉ hệ thống giao thông thuận tiện mà nối kết với QL51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, cảng còn kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt quốc gia Bắc - Nam.
Tháng 7/2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Mục đích của việc tăng vốn nhằm bổ sung vốn và triển khai đầu tư phân kỳ 1 dự án Cảng An Phước.
Lúc này, thông qua Công ty TNHH MTV Hoành Sơn với tỷ lệ sở hữu 51,11% vốn điều lệ, ông Phạm Hoành Sơn trở thành Chủ tịch HĐQT của PAP.
Dưới sự lãnh đạo của ông Sơn, PAP trong tháng 6/2017 tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng này. Số tiền thu được thì 182 tỷ đồng được mang gửi ngân hàng. Lúc này, thông qua công ty con, Tập đoàn Hoành Sơn đã sở hữu 60% cổ phần tại PAP, trong khi PVN chỉ sở hữu 31,82%.
Tháng 2/2019, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng Cảng Phước An cho CTCP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tập đoàn Tuấn Lộc) của ông Trần Tuấn Lộc (SN 1981) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A. Và đến tháng 11/2021, ông Phạm Hoành Sơn đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT PAP.
Sau khi ông Phạm Hoành Sơn và Tập đoàn Hoành Sơn rút lui khỏi Cảng Phước An để nhường chỗ cho Tập đoàn Tuấn Lộc, PAP đã tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2022. Lúc này, PVN vẫn duy trì nguồn vốn 350 tỷ đồng tương đương 17,5% tỷ lệ sở hữu và gần như không còn tiếng nói.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Đạt (SN 1987) – nhân sự quan trọng của Tập đoàn Tuấn Lộc, PAP trong ngày 12/6/2022 liên tiếp ký 3 hợp đồng 518, 519, và 520 thi công xây dựng công trình với giá trị lần lượt 1.363 tỷ, 1.725 tỷ và 3.725 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chỉ 60% tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết 504 về việc lựa chọn Tập đoàn Tuấn Lộc là nhà thầu thi công.
Ngoài việc là nhà thầu thi công các dự án có tổng trị giá gần 7.000 tỷ đồng của Cảng Phước An, Tập đoàn Tuấn Lộc còn được tỉnh Đồng Nai chấp thuận là nhà đầu tư dự án BOT đường 319 – cảng Phước An dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, Tuấn Lộc cùng Công ty Hạ tầng Hải An lập ra công ty dự án là BOT Phước An với vốn điều lệ 208,5 tỷ đồng.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/the-chan-hoanh-son-tai-cang-phuoc-an-tuan-loc-de-dang-ky-hop-dong-gan-7000-ty-2051432.htm